Brigita, giám đốc của một trong những đại lý ô tô lớn nhất Trung Quốc, đang ở trong tình trạng không còn lựa chọn nào khác. 100 cửa hàng của công ty chị đã phải đóng cửa trong 1 tháng nay vì virus corona, dự trữ tiền mặt đang dần cạn kiệt, trong khi các ngân hàng không muốn gia hạn khoản nợ hàng tỷ CNY đáo hạn trong vài tháng tới.
Brigita cho hay: "Nếu chúng tôi không thể thanh toán những khoản nợ đó, thì mọi thứ sẽ cực kỳ tồi tệ". Công ty của chị hiện có 10.000 nhân sự và bán những dòng xe đến từ các thương hiệu trung bình cho đến cao cấp như BMW. Brigita từ chối tiết lộ tên đầy đủ và thông tin về công ty của mình.
Trong bối cảnh phần lớn nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa hoạt động trở lại khi các nhà chức trách đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thì hàng triệu công ty trên khắp Trung Quốc đang phải "chạy đua" với thời gian để duy trì hoạt động. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện đối với các công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc, 1/3 trong số đó chỉ đủ tiền để chi trả chi phí cố định trong 1 tháng, 1/3 khác cho biết họ sẽ cạn kiệt tiền trong 2 tháng.
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm hạ lãi suất cho vay, yêu cầu các ngân hàng tăng cho vay đối với những công ty mở cửa trở lại sau dịp nghỉ lễ. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp tư nhân cho biết họ không thể tiếp cận khoản tài trợ cần thiết để trả nợ đúng hạn và thanh toán lương cho nhân viên. Nếu không nhận được thêm sự hỗ trợ về tài chính hoặc kinh tế Trung Quốc không phục hồi mạnh mẽ, thì một số công ty có thể sẽ phải đóng cửa hoàn toàn.
Lv Changshun – một nhà phân tích tại Beijing Zhonghe Yingtai Management Consultant, nhận định: "Nếu Trung Quốc không thể ngăn chặn được virus trong quý đầu tiên, thì tôi cho rằng một loạt các doanh nghiệp nhỏ sẽ rơi vào cảnh phá sản."
Dù chiếm tới 60% nền kinh tế và 80% việc làm ở Trung Quốc, nhưng những doanh nghiệp của nước này tư nhân từ lâu đã gặp nhiều khó khăn về vấn đề tài chính để giúp họ phát triển trong thời kỳ kinh tế bùng nổ và sống sót qua những cơn khủng hoảng.
Hầu hết các công ty vừa và nhỏ cho biết họ sẽ cạn kiệt tiền mặt trong vài tháng
Cuối tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ tập trung nhiều hơn vào việc hồi phục nền kinh tế, với chính sách tài khoá chủ động hơn, thúc đẩy mạnh mẽ các dự án xây dựng và nới lỏng quy định dự trữ đối với các ngân hàng thương mại để cung cấp thêm nhiều khoản vay.
Cho đến nay, động thái hỗ trợ từ các ngân hàng lớn của Trung Quốc nhằm đối phó với sự bùng phát của dịch bệnh vẫn được thực hiện theo từng bước. Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) – nhà cho vay lớn nhất nước này, đã cung cấp gói hỗ trợ cho khoảng 5% khách hàng là doanh nghiệp nhỏ. Trả lời email của Bloomberg, ngân hàng này cho biết họ đã phân bổ 5,4 tỷ CNY (770 triệu USD) để giúp các công ty ứng phó với tác động của virus corona.
Kể từ ngày 20/2, các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp khoảng 794 tỷ CNY đối với các khoản vay liên quan đến nỗ lực ngăn chặn virus corona và hạ lãi suất cho vay đối với các công ty nước ngoài như Citigroup, theo hiệp hội ngân hàng. Trước đó, các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc thường phải đối mặt với một khoản lãi suất cho khoản vay khoảng 36,9 nghìn tỷ CNY mỗi quý.
Trong khi ngân hàng trung ương đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt và danh sách hạn chế đối với những công ty có thể tiếp cận khoản vay đặc biệt liên quan đến ứng phó với tác động của Covid-19, thì chính quyền và các ngân hàng địa phương lại giới hạn với số tiền đi vay, nguồn tin thân cận tiết lộ. Một nhân viên mảng tín dụng ở một trong những nhà môi giới lớn nhất Trung Quốc cho biết công ty của anh đưa ra cách nhanh nhất để giảm nợ cho các doanh nghiệp tham gia nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh, các bên đi vay phải chứng minh rằng họ sẽ sử dụng ít nhất 10% doanh thu để chống lại dịch corona.
Doanh số phát hành trái phiếu của khu vực tư nhân thấp hơn so với các khoản đáo hạn trong tháng 2.
Đây cũng là tia hy vọng nhỏ nhoi đối với một đại lý ô tô. Quay trở lại với Brigita. Hiện tại, công ty của chị đang nợ hàng chục ngân hàng. Chị cho biết, đến nay công ty chỉ đạt được thoả thuận với một số ít để gia hạn thời hạn thanh toán thêm 2 tháng. Cho đến nay, công ty này vẫn trả lương cho nhân viên.
Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp ở Trung Quốc đã "hấp hối" kể từ trước khi dịch bệnh bùng phát, vì chịu ảnh hưởng nặng nề từ chiến tranh thương mại và quy định cho vay bị thắt chặt khiến tăng trưởng kinh tế xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ vào năm ngoái.
Theo Lianhe Rating, chịu rủi ro lớn nhất chính là các ngành dịch vụ và nhà hàng, công ty du lịch, các hãng hàng không, khách sạn, các trung tâm mua sắm. Yang – quản lý toà nhà của một trung tâm thương mại 7 tầng ở Thượng Hải, cho biết một khách hàng đang điều hành khách sạn 150 phòng thường rất bận rộn nay đã phải xin miễn 1 tháng thuê nhà, khi hoạt động kinh doanh trì trệ. Cô dự đoán một cửa hàng massage thuê mặt bằng ở trung tâm này cũng đang gặp khó khăn và sẵn sàng giúp đỡ họ.
Một phó giám đốc tài chính tại một nhà phát triển nhỏ ở trung tâm tỉnh An Huy cho biết công ty của ông thậm chí còn bị từ chối cho vay theo hạn mức tín dụng hiện có. Doanh số sụt giảm đã ảnh hưởng tới hồ sơ tín dụng của họ và một số dự án mới không được coi là tài sản thế chấp. Vì không thể tiếp cận các khoản vay, doanh nghiệp của ông chỉ có thể tồn tại trong 4 tháng, hoặc có thể lâu hơn nếu thời hạn thanh toán nợ được hoãn lại.
Các ngân hàng cũng không ở trạng thái tích cực hơn. Nhiều nhà cho vay thậm chí còn thiếu vốn và ở trong thế "ngàn cân treo sợi tóc" sau 2 năm đối diện với tình trạng vỡ nợ kỷ lục. S&P Global ước tính tình trạng khẩn cấp tiếp tục kéo dài ở Trung Quốc sẽ khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngành ngân hàng nước này tăng hơn gấp 3, lên khoảng 6,3% và tăng 5,6 nghìn tỷ CNY.
Tham khảo Bloomberg