Nếu coi nền kinh tế toàn cầu là một rạp phim, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chắc chắn là bộ phim được nhiều người theo dõi nhất. Tổng thống Donald Trump trong vai nhà lãnh đạo khó đoán, và ông Tập chính là trùm cuối của phe đối đầu. Bộ phim này sẽ xoay quanh những chính sách ăn miếng trả miếng bên cạnh những cuộc đàm phán bí ẩn (và khó hiểu) của hai vị nguyên thủ này.
Ở một diễn biến khác, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu chuẩn bị bắt đầu các cuộc thảo luận của riêng họ về thuế quan công nghiệp. Trong viễn cảnh lạc quan nhất, hai khu vực có mối quan hệ kinh tế và địa chiến lược chặt chẽ, với niềm tin chung về nền dân chủ và thị trường tự do, sẽ là giảm thuế và các rào cản khác. Thật đáng hoan nghênh!
Nhưng trên thực tế, rủi ro về một cuộc chiến thương mại tiếp theo đang rình rập quanh đây.
Nhạc nền gay cấn bắt đầu nổi lên. Tổng thống Donald Trump đã gọi EU là "kẻ thù" và đã tuyên bố rằng mối quan hệ thương mại giữa hai bên là "rất không công bằng". Các cuộc đàm phán có nghĩa là sẽ bắt đầu sớm, nhưng Pháp cũng bị kéo dài vì quyết định của Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.
Ông chủ Nhà Trắng đã bắt đầu "nóng mắt" với khoản thâm hụt 157,3 tỷ USD với EU, đặc biệt là do mặt hàng xuất khẩu xe hơi của Đức. Hãy nhớ lại những quan điểm cơ bản nhất của ông Trump về thương mại toàn cầu. Ông cho rằng cán cân thương mại song phương là một chỉ số thắng bại. Quốc gia nào là thặng dư tức là chiến thắng và thâm hụt thì tức là thất bại. Ông không quan tâm đến chuỗi cung ứng phức tạp nào hết.
Điều nguy hiểm là ông Trump có thể sẽ đối xử với EU hệt như những gì ông đã làm với Trung Quốc: áp hàng tỷ USD thuế quan đối với một loạt các hàng hóa, để đổi lấy sự nhượng bộ. Chiến lược này thường đi đến đâu?
Chuyện gì đã xảy ra với Mexico và Canada, nơi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ NAFTA chẳng có gì tiến bộ? Cái ông Trump thu về một hiệp ước mới - gần như y hệt cái cũ.
Không giống như nhiều người tiền nhiệm của mình, ông Trump có rất ít thiện cảm với châu Âu. Ông công khai ủng hộ Brexit, cũng không quên công kích Thủ tướng Vương quốc Anh Theresa May trong việc bà xử lý các cuộc đàm phán. Tổng thống Hoa Kỳ đã khiến mối quan hệ ngoại giao EU - Washington xuống cấp đáng kể.
Ngài Tổng thống thậm chí còn không quan tâm chính sách thương mại của EU hoạt động ra sao. Không giống như đầu tư nước ngoài của các chính phủ quốc gia - Ủy ban châu Âu phải đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại thay mặt cho khối. Năm 2017, ông Trump (không hiểu đã nghĩ thế nào) đã hỏi Thủ tướng Đức Angela Merkel về việc ký thỏa thuận thương mại giữa hai nước. Bà Merkel đã nói, điều đó là không thể, trong các vấn đề thương mại, Hoa Kỳ phải nói chuyện với Ủy viên Thương mại EU, bà Cecilia Malmstroem.
Một cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và EU nếu như nổ ra sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế châu Âu, khi khu vực này vốn đang chậm lại. Các công ty đã ngừng đầu tư, họ đang đợi để đổ vốn vào các khu vực khác. Việc suy thoái hơn nữa có thể sẽ buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu phải đảo ngược kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể làm suy yếu niềm tin và khiến các nhà đầu tư hoang mang trên thị trường tài chính.
Ngược lại, một cuộc chiến thương mại cũng có thể gây thiệt hại lâu dài cho Hoa Kỳ. Bất kỳ mức thuế tăng thêm nào đối với hàng nhập khẩu của EU sẽ khiến người Mỹ phải trả nhiều hơn. Và dĩ nhiên, ảnh hưởng của Mỹ tại châu Âu sẽ suy yếu.
Trên thực tế, đã có một vài tín hiệu đáng lo ngại. Vào tháng 3 vừa qua, Ý đã trở thành quốc gia G7 đầu tiên tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo rõ ràng từ Washington. Đối với phần còn lại của EU, sự bất hòa ngày càng tăng với Hoa Kỳ có thể sẽ đẩy EU đến gần hơn với Trung Quốc.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến gần, ông Trump sẽ ngày càng hiếu chiến hơn. Khi bộ phim Mỹ - Trung đang đi đến hồi kết, các nhà đầu tư nên bắt đầu chuẩn bị theo dõi một bộ phim mới: "Mỹ và EU".