Kinh tế Nga đã gặp nhiều khó khăn trong suốt tháng đầu diễn ra chiến sự ở Ukraine. Tuy nhiên, bảng cân đối kế toán của quốc gia này vẫn rất lành mạnh nếu một số đối tác thương mại lớn nhất không "quay lưng" với họ trong lĩnh vực xuất khẩu năng lượng.
Bloomberg Economics ước tính, tính đến cả những khó khăn với người tiêu dùng trong nước và việc các nước phương Tây trừng phạt Nga, quốc gia này vẫn thu về gần 321 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong năm nay. Con số này tăng hơn 1/3 so với năm 2021. Hơn nữa, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cũng cho biết Nga đang chuẩn bị ghi nhận thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục, có thể lên tới 240 tỷ USD.
Các nhà kinh tế của IIF do Robin Brooks làm trưởng nhóm cho biết trong một báo cáo: "Động lực lớn nhất và duy nhất dẫn đến thặng dư tài khoản vãng lai của Nga dường như vẫn vững chắc. Khi các biện pháp trừng phạt hiện tại vẫn được áp dụng, thì dòng tiền đáng kể chảy vào Nga dường như sẽ tiếp tục."
Tuy nhiên, ước tính này có thể thay đổi hoàn toàn trong trường hợp phương Tây cấm vận lĩnh vực năng lượng. Song, ngay cả khi gói trừng phạt liên quan đến năng lượng không được áp dụng thì xuất khẩu và sản lượng dầu của Nga cũng đã sụt giảm. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nước này có thể mất gần 1/4 sản lượng dầu thô trong tháng 4.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều khách hàng quen thuộc của quốc gia này cũng tìm đến những nơi khác và không ký hợp đồng mới với họ. Những quốc gia như Ấn Độ đang nhận được đề nghị mua dầu với giá giảm mạnh.
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã khiến Đức và các đồng minh EU bị sốc khi phải thay đổi chính sách năng lượng một cách triệt để. Khối này đang phải gấp rút cắt giảm sự phụ thuộc vào Nga. Hiện tại, nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang né tránh việc áp lệnh trừng phạt hoặc áp lực chính trị có thể dẫn đến việc cấm vận hoàn toàn năng lượng từ Nga. Chỉ một số quốc gia, gồm Mỹ và Anh, đã áp đặt lệnh cấm gắt gao với hàng hóa nhập khẩu từ Nga.
Tổng doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga.
Dầu và khí đốt chiếm khoảng 1 nửa sản lượng xuất khẩu của Nga và đóng góp khoảng 40% vào thu ngân sách của năm ngoái.
Scott Johnson - chuyên gia của Bloomberg Economics, nhận định: "Doanh thu từ hydrocarbon là ‘phao cứu sinh’ cho nền kinh tế Nga, giúp giảm thiểu tác động từ các lệnh trừng phạt nghiêm khắc và ngăn chặn cuộc khủng hoảng mang tên cán cân thanh toán."
Tuy nhiên, theo TS Lombard, đồng rúp rớt giá mạnh và giá dầu tăng cao sẽ giúp nguồn thu ngân sách của Nga có thêm 8,5 nghìn tỷ rúp (103 tỷ USD) trong năm nay.
Madina Khrustaleva - nhà phân tích tại TS Lombard, cho hay: "Bộ Tài chính Nga sẽ sử dụng một phần ngân sách để ứng phó với những khó khăn do lệnh trừng phạt gây ra và không để lạm phát tăng thêm. Tuy nhiên, kinh tế Nga vẫn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt và họ cũng phải phụ thuộc vào năng lượng nhiều hơn nữa."
Goldman Sachs đã điều chỉnh tăng đối với thặng dư toàn khoản vãng lai ở Nga trong năm nay ở mức 205 tỷ USD. Ngân hàng này cho biết con số này có thể đủ để NHTW Nga đáp ứng nhu cầu ngoại hối của khu vực tư nhân và giúp họ nới lỏng quy định kiểm soát vốn.
Khi người tiêu dùng Nga hứng chịu một loạt cú sốc từ lạm phát cho đến thu nhập sụt giảm, các nhà kinh tế của Goldman dự đoán sản lượng nhập khẩu sẽ giảm 20% trong năm nay, gấp đôi mức dự kiến của xuất khẩu.
Các nhà phân tích của TS Lombard nhận định, bảng cân đối kế toán "khoẻ mạnh" sẽ không giúp Nga thoát khỏi suy thoái kinh tế, nhưng lại có thể giúp quốc gia này duy trì chi tiêu của chính phủ ở thời điểm Nga bị cô lập khỏi thị trường vốn quốc tế. Hơn nữa, tỷ giá hối đoái của đồng rúp đang được hỗ trợ bởi dòng vốn ổn định, nhờ hàng loạt biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt của Tổng thống Vladimir Putin và Moscow.
Thế mạnh trong hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga có thể là điều duy nhất giúp nền kinh tế không rơi vào suy thoái. Theo IIF, lệnh cấm vận năng lượng của EU, Anh và Mỹ sẽ khiến sản lượng của Nga sụt giảm 20% và có thể khiến nước này mất tới 300 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu, tùy thuộc vào biến động của giá.
Tham khảo Bloomberg