Vậy, chính xác thì vấn đề này nghiêm trọng đến mức nào? Câu trả lời là, ngay cả với những giả định tích cực thì tình trạng này vẫn có thể khiến ngân sách của cả nước Mỹ bị quá tải.
Trước đây, cuối thế kỷ 19, người Mỹ thường làm việc cho đến khi qua đời - khoảng thời gian mà họ ước tính thường là trước 65 tuổi. Ngoại trừ số ít những người được hưởng lương hưu nhờ làm việc trong quân đội, thì những người già và bệnh tật phải sống nhờ vào các tổ chức từ thiện hay các thế hệ con cháu.
Tất cả những điều này đã thay đổi trong bối cảnh công nghiệp hoá diễn ra nhanh chóng và sự giàu có ngày càng đi lên trong thế kỷ 20. Tuổi thọ ước tính của những người trong độ tuổi lao động đã tăng vọt: Tính đến năm 2018, đó là 77 tuổi với nam giới và 82 với nữ giới. Các doanh nghiệp - ở những ngành ngày càng chiếm ưu thế trong nền kinh tế, không muốn sử dụng lao động lớn tuổi vì họ cho là kém năng suất. Đối với số người lớn tuổi ngày càng tăng thì khoảng thời gian rảnh rỗi thậm chí trở thành điều không thể tránh khỏi.
Chính phủ Mỹ đã nhận ra thực tế mới này và thành lập Chương trình An sinh xã hội vào năm 1935. Chương trình này ban đầu chỉ là trợ cấp cho người lao động ở tuổi 65 - ngưỡng tuổi nghỉ hưu chính thức. Tuy nhiên, họ chưa từng có ý định cung cấp nhiều hơn mức thu nhập tối thiểu. Để duy trì mức sống tốt, người lao động sẽ phải làm một việc là họ hiếm khi phải thực hiện trước đây: để dành đủ tiền cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu.
Đó là "nguồn cơn" của cuộc khủng hoảng nghỉ hưu tại Mỹ. Mỹ chưa từng xem xét thoả đáng về sự khác biệt giữa những gì người lao động được hưởng từ mạng lưới an sinh xã hội và tuổi già được đảm bảo về tài chính. Theo đó, trong tuần này, Hạ viện Mỹ sẽ xem xét luật nhằm mở rộng độ tuổi của người lao động tham gia vào kế hoạch nghỉ hưu và giúp các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng cung cấp một số phúc lợi nhất định.
Quy mô của vấn đề sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố: dân số về hưu sẽ tăng lên bao nhiêu; họ cần bao nhiêu tiền để sống thoải mái và họ có bao nhiêu tiền tiết kiệm.
Mỹ sẽ có nhiều người ở độ tuổi nghỉ hưu hơn trong những thập kỷ tới, một phần là do thế hệ baby boomer đang già đi. Cục Điều tra Dân số dự báo, đến năm 2030 sẽ có hơn 73 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm khoảng 21% tổng dân số cả nước. Con số này tăng từ 49 triệu, hay khoảng 15%, vào năm 2016.
Những gì họ cần để nghỉ hưu phụ thuộc vào họ đã kiếm được bao nhiêu trong thời gian đi làm. Trung bình, mỗi người cần 75% thu nhập trước khi nghỉ hưu để đảm bảo cuộc sống an nhàn của tuổi già. Theo đó, hầu hết người dân Mỹ đều không đạt được mức trung bình. Một người khá giả có thể sống tốt với khoảng một nửa thu nhập hàng năm của họ. Trong khi đó, những lao động nghèo hơn có thể cần đến 100%, hoặc hơn, để trang trải chi phí y tế ngày càng tăng.
Vậy liệu họ có đủ số tiền đó để nghỉ hưu? Trung tâm Nghiên cứu Hưu trí tại Đại học Boston ước tính rằng khoảng 1 nửa số hộ gia đình Mỹ trong độ tuổi lao động đang "gặp rủi ro". Điều này có nghĩa là họ sắp tới sẽ thiếu 10% thu nhập họ cần để nghỉ hưu một cách thoải mái. Theo đó, khoản tiền cần cho thời gian nghỉ hưu tại Mỹ có thể thiếu khoảng 7 nghìn tỷ USD. Và đây là trường hợp giả định rằng các phúc lợi an sinh xã hội sẽ không bị cắt giảm trong tương lai.
Mọi người có thể giảm thiểu sự thiếu hụt đó bằng cách làm việc khi đã ngoài 65 tuổi. Bởi vậy, nhiều người đã thực hiện. Tính đến tháng 12, khoảng 1/3 số người từ 65-69 tuổi đã được tuyển dụng tại Mỹ. Song, lao động ở tuổi này lại đối mặt với một số hạn chế. Chẳng hạn, một tài xế xe tải khó có thể làm việc đến tuổi 70 như một giáo sư đại học. Hơn nữa, ngay cả khi một nửa số người lao động tiếp tục làm việc khi đã hơn 65, thì tỷ lệ người trong nhóm "gặp rủi ro" nêu trên có thể chỉ giảm xuống khoảng 1/3. Đây vẫn là con số tồi tệ đối với một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.
Trong khi đó, việc người lao động thiếu tiền tiết kiệm có quy mô còn lớn hơn cả cuộc khủng hoảng nhân đạo. Đây cũng là một cuộc khủng tài chính đang chuẩn bị hình thành. Càng nhiều người đến tuổi nghỉ hưu mà không có đủ nguồn lực tài chính, họ sẽ càng phải dựa vào các chương trình phúc lợi như Mediaid, phiếu mua thực phẩm và Tiền trợ cấp an sinh (SSI).
Một nghiên cứu ước tính rằng, đến năm 2030, người lớn tuổi sẽ cần thêm 7 tỷ USD tiền hỗ trợ hàng năm từ chính phủ chỉ tính riêng ở bang New Jersey. Con số này tương đương với 1/5 ngân sách nhà nước hiện tại và New Jersey cũng không phải là bang có nhiều người thuộc nhóm dân số già. Tình hình ở các bang khác thậm chí có thể còn tồi tệ hơn.
Tham khảo Bloomberg