Theo hãng tin Bloomberg, bất chấp những nỗ lực của các nhà khoa học trong việc phát triển vaccine chống dịch Covid-19, những liều vaccine đầu tiên này có thể chẳng hạn chế được dịch bệnh lây lan.
Giáo sư Robin Shattock của trường đại học Imperial College London đang nghiên cứu về vaccine chống dịch Covid-19 cho rằng những dòng vaccine đầu tiên có thể giúp mọi người tạo kháng thể chống bệnh nhưng có thể không giúp ngăn ngừa được sự lây lan trong cộng đồng.
Hiện nay, hàng loạt các quốc gia đã đổ nhiều tỷ USD để phát triển vaccine chống dịch Covid-19, qua đó hồi phục lại cuộc sống trở lại như trước khi dịch bệnh bùng phát. Từ những công ty nhỏ vô danh của Trung Quốc như Cansino Biologics đến những tập đoàn dược lớn như Pfizer đều đang chạy đua với thời gian.
Những bước tiến mới nhất hiện nay mới chỉ là các cuộc thử nghiệm vaccine trên cơ thể người và vẫn chưa được các cơ quan chức năng thông qua về mức độ an toàn để có thể đưa vào sản xuất hàng loạt.
"Điều cốt yếu nhất là vaccine có thể giúp người bệnh chống dịch chứ không nhất thiết phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh", Chuyên gia Dennis Burton của Scripps Reseach nhận định.
Theo hãng tin Bloomberg, việc tiêm vaccine không có nghĩa là bệnh nhân không thể mang virus đi lây lan trong cộng đồng. Chuyên gia Nichael Kinch của trường đại học Washington University nhận định ngay cả những người đã tiêm chủng cũng vẫn còn khả năng nhiễm virus và lây lan cho mọi người nếu cơ thể của họ không phát triển được các kháng thể hoặc những kháng thể này bị xói mòn theo thời gian.
Nguy hiểm hơn, dịch Covid-19 đang liên tục đột biến, phát triển để thích nghi với cơ thể người. Rất nhiều xét nghiệm cho thấy có những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng không có triệu chứng, qua đó tiếp tục lây lan trong cộng đồng.
Số liệu của Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho thấy hiện vaccine là công cụ hữu dụng nhất của loài người chống lại dịch bệnh và đã giúp ngăn chặn được khoảng 3 triệu ca tử vong mỗi năm. Tuy nhiên, không phải ai tiêm vaccine cũng miễn dịch với bệnh. Ví dụ khoảng 3% số người tiêm vaccine phòng bệnh sởi vẫn sẽ có các triệu chứng bệnh nhẹ có thể lây lan cho cộng đồng.
Không có vaccine hoàn hảo
Thông thường, cơ chế hoạt động của các vaccine là phát triển kháng thể trong cơ thể người. Những kháng thể này sẽ ngăn chặn virus tấn công tế bào thường hoặc làm chậm quá trình hoạt động của virus. Bởi vậy việc tiêm vaccine không có nghĩa là cơ thể người sẽ diệt sạch virus.
Hiện một số công ty đang phát triển những biện pháp như kết hợp tiêm kháng sinh liều cao hoặc phát triển những kháng thể biến mã gen của virus Sars nCov2 thành một loại virus lành tính khác. Tuy nhiên những công nghệ này chắc chắn cần thêm thời gian để nghiên cứu, bởi vậy những dòng vaccine đời đầu chống dịch Covid-19 có thể vẫn chưa ngăn được sự lây lan của chúng.
Trong khi đó, chuyên gia William Haseltine của trường đại học Harvard nhận định mức độ sản sinh kháng thể chống dịch của động vật sau khi tiêm vaccine là khá khác so với cơ thể người, bởi vậy không thể quá vui mừng vào những thành công trên thí nghiệm động vật.
"Vaccine không giống như một công cụ giúp chúng ta chống lại sự lây lan của dịch bệnh nhưng là một biện pháp tốt bảo vệ bệnh nhân không chuyển biến xấu khi bị nhiễm", Giám đốc Anthony Fauci của Viện truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ (NIAID) thừa nhận.
Đồng quan điểm, người phát ngôn của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) Michael Felberbaum cũng nhấn mạnh rằng quy trình cấp phép vaccine chống dịch Covid-19 chưa yêu cầu vaccine đó phải ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh mà ưu tiên giúp nạn nhân không chuyển biến xấu khi bị nhiễm.
"Sẽ chẳng bao giờ có một loại vaccine hoàn hảo đáp ứng mọi nhu cầu", Chuyên gia Michael Kinch của trường đại học Washington thừa nhận.
Theo Bloomberg