Theo hãng tin Bloomberg, đại dịch Covid-19 đang trở thành một trong những nguyên nhân nổi trội ảnh hưởng đến thị trường tài chính trong lịch sử kinh tế hiện đại gần đây.
Phiên giao dịch ngày 24/7/2020, giá vàng đóng cửa trên thị trường New York ở mức 1.902,02 USD/ounce, cao hơn 30% so với mức giá vào tháng 3/2020 và chỉ còn cách đỉnh giá kỷ lục năm 2011 có 1%.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn mà ở đây là vàng. Nỗi sợ hãi chính phủ tiếp tục các lệnh giãn cách, những nguy hiểm tiềm tàng khi các nước tiên tiếp tung những gói cứu trợ khổng lồ, ngân hàng trung ương thì in tiền liên tục để chi tiêu.
Đồng USD của Mỹ hiện đã giảm giá so với đồng Euro và Yên Nhật dù nền kinh tế số 1 thế giới đang là động lực tăng trưởng cho toàn cầu.
Chỉ số Dollar Index (So sánh giá đồng USD với 1 rổ các đồng tiền chủ chốt) và trái phiếu Mỹ đi xuống trong khi giá vàng lại đi lên
Tồi tệ hơn, những xung đột địa chính trị như căng thẳng Trung-Mỹ, Trung-Ấn, Brexit cùng nhiều yếu tố khác cũng kích thích các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn.
Nỗi lo lắng về tương lai kinh tế thế giới ngày một tăng cao khi các nhà đầu tư sợ hãi một viễn cảnh tăng trưởng chậm, lạm phát phi mã còn các khoản đầu tư thì mất giá.
Tại nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ, dịch Covid-19 vẫn hoành hành còn kinh tế thì tăng trưởng chậm khiến nỗi sợ này ngày một nhân lên. Những cuộc thăm dò ý kiến cho thấy các nhà đầu tư đều cho rằng lạm phát thường niên của Mỹ trong 10 năm tới sẽ cao hơn cả 4 tháng vừa qua.
Mặc dù tỷ lệ lạm phát của Mỹ hiện chưa đạt mức 2% mục tiêu do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đề ra nhưng với đà in tiền cứu trợ và lãi suất thấp như hiện nay, lạm phát đi lên là điều sớm muộn sẽ xảy ra.
Chuyên gia phân tích thị trường Edward Moya của Oanda Corp nhận định một trong những yếu tố chính khiến nhà đầu tư mua vàng là do lãi suất thực trên thị trường ở mức quá thấp và không có dấu hiệu tăng trở lại khi đại dịch chưa hết và nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Thậm chí, việc các nhà đầu tư đổ xô mua vàng cho thấy một viễn cảnh tăng trưởng chậm như Nhật Bản đã lâm vào trước đây nhiều khả năng sẽ xảy ra với Mỹ, qua đó buộc FED phải có những động thái đối phó.
Tại thị trường trái phiếu Mỹ, nơi đo lường niềm tin của nhà đầu tư với nền kinh tế, giá của chúng cũng đi xuống do các nhà đầu tư chuyển sang các kênh an toàn hơn như vàng.
Cơn khát vàng của các nhà đầu tư đã đẩy giá cổ phiếu những quỹ ETF liên quan đến kinh doanh vàng tăng giá 18 tuần liên tiếp, mức lâu nhất kể từ năm 2006 đến nay. Giá vàng cũng đã tăng 7 tuần liên tiếp và các chuyên gia dự báo chúng sẽ chưa giảm ngay trong ngắn hạn.
"Tôi sẽ tiếp tục mua vàng bởi chúng đang thực sự có giá", nhà sáng lập Mark Mobius của Mobius Capital Partners nói.
Hàng loạt nhà phân tích đã nâng mức dự báo giá vàng trong vài tháng tới. Ngân hàng Bank of America dự báo giá vàng trong 18 tháng tới có thể đạt 3.000 USD/ounce. Dự đoán táo bạo này của Bank of America dựa trên yếu tố cắt giảm lãi suất của FED cũng như những dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ tung lượng lớn tiền cứu trợ nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng vì dịch Covid-19.
Đây không phải lần đầu tiên giá vàng tăng do các động thái từ chính phủ và ngân hàng trung ương. Trong khoảng tháng 12/2008-6/2011, FED đã mua vào 2,3 nghìn tỷ các khoản tín dụng và hạ lãi suất xuống gần 0% để thúc đẩy kinh tế sau khủng hoảng. Hệ quả là giá vàng tăng vọt lên mức kỷ lục 1.921,17 USD vào tháng 9/2011.
Giám đốc mảng giao dịch Afshin Nabavi của MKS PAMP Group tại Thụy Sĩ cho rằng lịch sử đang lặp lại một lần nữa và giá vàng lần này có khả năng lên đến 2.000 USD/ounce.
"Nói thật là lần này tôi không xác định được mức đỉnh của giá vàng sẽ là bao nhiêu", Giám đốc Nabavi nhận định.