Ngay từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung mới nổ ra, Việt Nam đã trở thành một trong số ít những quốc gia hưởng lợi trên thế giới: đầu tư đổ vào, xuất khẩu tăng vọt.
Tuy nhiên, những yếu tố được cho là hưởng lợi này cũng có những hệ lụy khó lường: thặng dư thương mại ngày càng tăng với Mỹ có thể sẽ là nguy cơ khiến Việt Nam phải đối mặt với loại thuế quan mà chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt đối với Trung Quốc. Rủi ro gian lận xuất xứ của các sản phẩm Trung Quốc như nhôm và gỗ dán cũng là một vấn đề không thể coi nhẹ.
"Tôi cảm thấy như chúng tôi bị ép giữa hai người khổng lồ", Quách Ngọc Thiên, đồng sáng lập Công ty thương mại Hồng Lê. "Chúng tôi bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ. Chúng tôi chưa làm gì gây thiệt hại bất cứ ai, nhưng chúng tôi vẫn có thể bị ảnh hưởng. Chúng tôi chỉ là một công ty rất nhỏ bị kẹt giữa cuộc chiến".
Việt Nam - từ một quốc gia nghèo đói sau chiến tranh - đã trở thành một câu chuyện thành công của kinh tế toàn cầu. Sự xuất hiện của nhà máy Intel Corp, LG Electronics Inc. và các công ty đa quốc gia khác đã biến Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất quan trọng, gián tiếp tạo ra một tầng lớp trung lưu đang trỗi dậy.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 6,6% kể từ năm 2000, tăng thu nhập trung bình hàng năm từ chỉ khoảng 400 USD lên gần 2.600 USD. Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 7,02%, lần tăng trưởng cao thứ hai kể từ năm 2007, trong khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,1%, mức thấp của gần ba thập kỷ trở lại đây.
Việt Nam vẫn còn là một tân binh đối với nền kinh tế toàn cầu. Chỉ mới bắt đầu mở cửa cho đầu tư nước ngoài từ cuối những năm 1980. Việt Nam đang bù đắp cho khoảng thời gian trì trệ bằng cách tích cực thu hút các công ty đa quốc gia và ký kết các thỏa thuận thương mại tự do, trong đó có EVFTA.
Việt Nam có những mục tiêu đầy tham vọng: xây dựng một nền kinh tế công nghiệp vào năm 2035, hướng tới GDP bình quân đầu người 22.200 USD, gấp khoảng 10 lần so với hiện nay. Tham vọng đó là có thể đạt được, nếu Việt Nam có thể cân bằng được những sức ép lớn. Các khoản nợ có thể kiểm soát, chính phủ đang đầu tư cho các cơ sở hạ tầng quan trọng và Việt Nam có lợi thế lược lượng lao động trẻ, với hơn một nửa trong số 96 triệu công dân là dưới 35 tuổi.
Không giống như các quốc gia châu Á đang phát triển lớn khác như Indonesia hay Ấn Độ, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu trong nước để thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam đặc biệt dễ bị ảnh hưởng vào biến động quốc tế vì phụ thuộc lớn vào thương mại. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, xuất khẩu của Việt Nam tương đương với hơn 100% GDP - một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhất trên thế giới.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hàng hóa song phương là 129,6 tỷ USD trong năm 2018, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Do sản xuất đã phát triển, nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng 50% trong giai đoạn từ 2014 đến 2019. Trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất Việt Nam.
Bất chấp các mối quan hệ phức tạp, Trung Quốc vẫn thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên Tập đoàn Viettel, nhà mạng di động lớn nhất của Việt Nam, đã chọn không triển khai công nghệ mạng 5G của Huawei Technologies Co., mà tự triển khai công nghệ của riêng mình.
"Chính quyền Hà Nội là một nhà điều hành khéo léo trong vấn đề này", Raymond Burghardt, đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam từ năm 2001 đến 2004 cho biết. "Việt Nam biết cách duy trì sự độc lập của mình nhưng cũng không bị khiêu khích một cách vô cớ. Điều này đã nằm trong DNA của người Việt".
Công ty thương mại Hồng Lê không thể tránh khỏi hai thế lực đối nghịch này. Sợi được nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa vào máy kéo sợi bông do Trung Quốc sản xuất để cho ra sản phẩm vải màu kem. Các bó vải sau đó được vận chuyển đến đơn vị nhuộm của Hồng Lê - Công ty Thương mại Hào Hạnh. Quy trình này sử dụng thuốc nhuộm của Trung Quốc để xử lý vải trước khi nó được gửi đến các nhà máy trên khắp Việt Nam để cắt thành áo sơ mi và váy bán cho thị trường Mỹ Mỹ
Nguyễn Thị Tuyết Hoa, giám đốc đơn vị kéo sợi vải của Hồng Lê cho biết: "Tôi phải lo lắng không chỉ về các hoạt động hàng ngày trong nhà máy, chất lượng của vải mà còn cả cuộc chiến thương mại. Chúng tôi phụ thuộc vào người Trung Quốc cho vật liệu và máy móc. Chúng tôi cũng cần Mỹ như là thị trường xuất khẩu lớn nhất của chúng tôi. Mỗi động thái nhỏ của họ đều có tác động lớn đến chúng tôi".