Ở Sài Gòn, các nghệ nhân đang tạo ra những thanh sô cô la đẳng cấp thế giới bằng các loại hương liệu thường được sử dụng để nấu phở.
Maison Marou sản xuất chính tại thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, nhãn hiệu này đã xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 20 quốc gia, chủ yếu ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Bắc Á. Họ đã giành được các danh hiệu toàn cầu, từ Salon du Chocolat ở Paris đến Giải thưởng Academy of Chocolate thường niên.
Hạt cacao của Maison Marou mang hương vị đặc trưng của 6 tỉnh Việt Nam, từ đồng bằng sông Cửu Long, với đất trầm tích, đến vùng đỏ bazan Tây Nguyên: Bà Rịa, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Lâm Đồng và Đắk Lắk. Ca cao trồng trên các loại đất khác nhau mang lại cho mỗi loại hạt một hương vị riêng biệt. Một thanh sô cô la thành phẩm, được bọc thủ công trong bao giấy. Bao bì được thiết kế trang trí rất nghệ thuật với các ghi chú về thành phần trái cây và gia vị.
"Thị trường sô cô la ở Đông Nam Á vẫn còn nhiều rất tiềm năng" - anh Vincent Mourou, người đã từ bỏ sự nghiệp của một công ty quảng cáo ở San Francisco khoảng 9 năm trước để tới Việt Nam sản xuất sô cô la nói với Bloomberg.
Sau chuyến đi tới khu vực ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh, anh và Samuel Maruta đã bắt gặp rất nhiều nông trại ca cao nhỏ bị bỏ hoang. Có vẻ như chẳng ai có ý định khai thác những vườn ca cao này cả.
Trong khi đó, những trái cacao ở đây lại có chất lượng rất khá. Đó chính là lúc hai nhà sáng lập quyết định gây dựng nên một thương hiệu sôcôla “bean to bar”. Bean to bar là loại sô cô la được thực hiện toàn bộ từ khâu xử lý hạt ca cao đến khi xuất xưởng thanh sô cô la thành phẩm tại Việt Nam.
Khi tạo ra một sản phẩm quá đỗi quen thuộc nhưng lại những hương vị rất đặc trưng của riêng Việt Nam, Maison Marou đã trở thành nhà tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu đặc sản và sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Maison Marou sử dụng những người thợ thủ công tận tâm, thay vì một dây chuyền công nghiệp, để tạo ra một thương hiệu sô cô la toàn cầu. Họ không có chuyên gia tư vấn. Họ tự chế tạo máy móc riêng, máy tách hạt đậu và máy tời của chính họ.
Maison Marou đã biến căn bếp gia đình của nhà Maruta thành một "phòng thí nghiệm" sô cô la. Năm 2011, họ đã thử nghiệm 55 mẫu sô cô la trong suốt 8 tháng, trước khi đạt tới phiên bản sô cô la cuối cùng. "Chúng tôi lưu mẫu từng loại thử nghiệm, giống như một thí nghiệm khoa học. Nhưng thay vì thử nghiệm hàng loạt, mỗi lần, chúng tôi sẽ chỉ thay đổi một thành phần duy nhất, cho tới khi đạt được hương vị hoàn hảo" - Mourou chia sẻ.
Khi sản xuất ra những thanh sô cô la mang hương vị đặc trưng của Việt Nam, hơn nữa lại sử dụng rất nhiều loại hương liệu nặng như thế, rủi ro rất lớn là sản phẩm sẽ có thể không phù hợp với khẩu vị của thực khách trên toàn thế giới. Nhưng không, sự kiên nhẫn và quyết tâm của Maison Marou đã được đền đáp xứng đáng.
"Hấp dẫn nhất là sô cô la làm từ hương liệu "phở". Đó là một loại sô cô la đen với cây hồi, thảo quả, rau mùi, thì là, đinh hương, quế, và hạt tiêu, các gia vị rất đặc trưng của phở Việt Nam. Cảm hứng cho món tráng miệng ngọt ngào đến vô cùng ngẫu nhiên: từ mùi thơm của gia vị nướng ở một hàng phở gần nhà máy sô cô la" - Bloomberg nhận xét.
Maison Marou ra mắt lần đầu tiên vào cuối năm 2011. Hiện công suất của họ 6 tấn sô cô la mỗi tháng, dự kiến sẽ đạt 10 tấn mỗi tháng trong năm tới. Công ty dự báo tăng trưởng doanh số khoảng 30 - 50% trong năm nay.
"Lúc đầu, mọi người nghĩ rằng chúng tôi bị điên, khi từ bỏ sự nghiệp để đi sản xuất sô cô la và làm việc ở đây", Mourou chia sẻ. Một sự thật thú vị: Cha của anh, nhà khoa học người Pháp Gerard Albert Mourou, đã được trao giải Nobel Vật lý năm ngoái.