Bong bóng Bitcoin là một trong những bí ẩn của thị trường kinh tế thời gian gần đây khi đồng tiền ảo này tăng giá mãnh liệt trong mùa dịch Covid-19. Một câu hỏi đặt ra là tại sao thứ tài sản chưa được ngân hàng trung ương nào công nhận này lại tăng tốc phi mã và chưa đổ vỡ hoàn toàn?
Một nghiên cứu của Goldman Sachs cho thấy sơ đồ tăng giá của Bitcoin trong 12 tháng qua với tiến trình đổ vỡ của những bong bóng tài chính lớn nhất trong lịch sử. Theo đó đáng lẽ Bitcoin đã phải cắm đầu đi xuống khi đạt đỉnh, tương tự như tiến trình theo lý thuyết của một bong bóng.
Vậy nhưng Bitcoin vẫn cứ tăng giá, dù có giảm thì cũng chỉ là những phiên điều chỉnh. Vậy điều gì đang diễn ra? Chẳng lẽ Bitcoin không phải là bong bóng đầu cơ?
So sánh bong bóng Bitcoin với những bong bóng khác trong lịch sử
Trên thực tế nếu nhìn vào dữ liệu giá Bitcoin trong 10 năm qua, bong bóng đầu cơ này đã vỡ 4 lần mà chẳng mấy ai để ý. Điều kỳ lạ là trong khi những bong bóng tài chính khác xì hơi để rồi không gượng dậy nổi thì Bitcoin lại khác. Thị trường tiền ảo cũng xì hơi 4 lần nhưng nhanh chóng lấy lại được sự chú ý của các nhà đầu cơ sau đó.
Đây là một điều khá hiếm với một bong bóng tài chính khi đổ vỡ rồi lại tăng trưởng trở lại vượt hơn so với trước. Thông thường một bong bóng tài chính phải đợi cả 1 đời người mới có thể nóng trở lại, nhưng điều này lại đang diễn ra vài lần với Bitcoin.
Nhiều người hiện nay cho rằng Bitcoin chỉ điều chỉnh để tăng giá, nhưng thực tế đây là bong bóng đầu cơ khi giá trị thực của đồng tiền không cao đến vậy. Dù có được đánh giá là công cụ thanh toán mới, tài sản chống lạm phát thì cũng chẳng có người tiêu dùng nào muốn sử dụng đồng tiền biến động mạnh như vậy. Đó là chưa kể hơn 90% giá trị thị trường Bitcoin nằm trong tay chưa tới 3% tài khoản mở.
Với một thị trường chẳng có ai quản lý và cũng chẳng ai bồi thường hay chịu trách nhiệm, rõ ràng Bitcoin là một bong bóng đầu cơ chờ đến ngày vỡ. Điều khác biệt là nó đã từng vỡ vài lần nhưng chẳng mấy người rút ra được bài học.
Theo hãng tin Bloomberg, các ngân hàng trung ương sẽ không bao giờ từ bỏ quyền kiểm soát hệ thống tiền tệ và Bitcoin chẳng khác gì một bong bóng tài chính tốn kém điện năng và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên công nghệ tiền ảo và Blockchain lại là điều đáng học hỏi và ngày càng nhiều chính phủ đang nghiên cứu để sử dụng chúng.
Theo Bloomberg, bong bóng Bitcoin đã vỡ đến 4 lần trong 10 năm qua
Trung Quốc là một ví dụ khi cấm Bitcoin nhưng lại phát hành đồng tiền số của riêng mình. Đây là quốc gia có tỷ lệ người dùng thanh toán trực tuyến và thương mại điện tử rộng rãi thuộc hàng bậc nhất thế giới. Đồng thời, hơn 2/3 số máy đào Bitcoin cũng nằm tại quốc gia này.
Rõ ràng những người chơi Bitcoin phải chấp nhận một thực tại rằng thế giới đang thay đổi để thích nghi với đồng tiền số và Bitcoin sẽ mất dần chỗ đứng nếu mãi chỉ là công cụ đầu cơ. Trong bài đăng trên Bloomberg của tác giả John Authers có nói rõ rằng việc chi tiền cho "niềm tin" sẽ chẳng bao giờ an toàn trên thị trường tài chính.
Những bài học lịch sử đã chứng minh cho điều đó, thế nhưng người ta vẫn tin vào một tương lai tiền ảo, một tài sản có thể thay thế vàng, một công cụ mới cho hệ thống tài chính tiền tệ. Thế nhưng, có thể Bitcoin sẽ chẳng bao giờ trở thành những điều như vậy khi mọi người điên cuồng đổ tiền vào đây chỉ vì lợi nhuận.
Bong bóng Bitcoin đã vỡ 4 lần và nó vẫn sẽ chưa rơi về 0 USD cho đến khi các nhà đầu cơ hết tham lam, hoặc họ đã tìm ra một bong bóng mới thay thế để lao đầu vào.