Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross đã có phát ngôn về dịch coronavirus trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Tôi nghĩ nó sẽ giúp đẩy nhanh việc làm quay trở lại Bắc Mỹ. Một số công ty sẽ đến Hoa Kỳ, một số sẽ đến Mexico. Đây sẽ là lúc các doanh nghiệp xem xét lại chuỗi cung ứng của họ".
Tuy nhiên, Bloomberg cho rằng: Coronavirus dường như sẽ không khiến việc làm quay trở lại Hoa Kỳ.
Đúng là dịch bệnh có thể khiến các công ty đa quốc gia suy nghĩ lại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Đất nước này rộng lớn đến mức, mặc dù cần phải đa dạng hóa, các công ty cũng không thể tránh khỏi việc nhập khẩu linh kiện và hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc. Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc đặc biệt phụ thuộc vào Trung Quốc về vấn đề này.
Nhưng lựa chọn thay thế khó có thể là Hoa Kỳ. Các công ty này đã xây dựng cơ sở hạ tầng quản lý và kỹ thuật để quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu, ở rất nhiều quốc gia có chi phí thấp khác. Và thành công ngoạn mục của Trung Quốc trong việc tạo việc làm và tăng mức sống cho người dân bằng cách thu hút đầu tư nước ngoài đã truyền cảm hứng cho một số quốc gia khác - những nền kinh tế đang cố gắng trở thành Trung Quốc tiếp theo.
Hai lựa chọn có tiềm năng lớn là Việt Nam và Bangladesh. Cả hai đều có chính phủ ổn định và chi phí lao động thấp. Việt Nam đã trở thành lựa chọn thay thế tự nhiên cho sản xuất thâm dụng lao động như đồ chơi, quần áo, đồ nội thất, công việc lắp ráp điện tử. Trong khi Bangladesh, mặt khác, là một ngôi sao trong ngành may mặc.
Sự bùng phát của coronavirus có thể đẩy nhanh sự thay đổi này và kéo các quốc gia như Indonesia, Ethiopia và Philippines đến gần hơn với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong khi đó, một số sản xuất có thể trở về Hoa Kỳ từ Trung Quốc. Nhưng là những việc làm thâm dụng vốn - công nghiệp nặng và sản xuất phức tạp - những công việc được thực hiện tốt nhất bằng máy công cụ và robot - thay vì thủ công. Tiền lương của công nhân Hoa Kỳ quá cao, có nghĩa là một làn sóng từ Trung Quốc cũng sẽ không thay đổi xu hướng tự động hóa trong sản xuất. Nếu có bất kỳ lợi ích nào cho việc làm ở Hoa Kỳ - chúng cũng sẽ rất nhỏ.
Và đó chỉ là những tác động từ việc chuyển hướng thương mại. Coronavirus có khả năng làm giảm tăng trưởng của Trung Quốc, có nghĩa là nhu cầu đối với các sản phẩm do Hoa Kỳ sản xuất cũng ít hơn. Sự gián đoạn của chuỗi cung ứng sẽ làm tăng giá và thậm chí có thể thiếu hụt, gây tổn hại cho nền kinh tế Hoa Kỳ. Tác động của suy thoái ở Trung Quốc - nếu như xảy ra - sẽ còn làm kinh tế Hoa Kỳ gặp nhiều khó khăn hơn.
Thực tế là khi một quốc gia chịu thiệt hại, đặc biệt là một nước lớn và quan trọng như Trung Quốc, hầu hết các quốc gia khác cũng có xu hướng bị ảnh hưởng.