Ngay cả khi kích thích tài khóa thành công trong việc đưa nền kinh tế trở lại ổn định sau cuộc khủng hoảng Covid-19, nền kinh tế chắc chắn sẽ bị biến đổi.
Nói đến thị trường lao động, bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà hoạch định chính sách trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ , chúng ta có thể sẽ thấy lao động có xu hướng tìm đến các công ty lớn hơn, một xu hướng vốn đã diễn ra trong vài năm trở lại đây.
Mặc dù cả doanh nghiệp nhỏ và lớn đều tăng lực lượng lao động sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, trong những năm gần đây, chênh lệch số lượng lao động sử dụng của công ty lớn và công ty nhỏ ngày càng lớn.
Kể từ cuối năm 2017, lao động làm việc trong những công ty nhỏ (công ty có dưới 50 nhân viên) đã tăng 130.000 người. Trong khi đó, 2,6 triệu người đã ứng tuyển vào các công ty lớn ( các công ty sử dụng ít nhất 1.000 lao động).
Lý do chính cho điều đó là: thị trường lao động đang ngày càng khắc nghiệt đối với lao động, đặc biệt các nhân viên dịch vụ.
Ưu điểm đầu tiên là doanh nghiệp lớn có thể chịu được vài tuần hoặc thậm chí là vài tháng doanh số giảm, nhuận thấp hơn. Trong khi các công ty nhỏ một khi đã cạn kiệt nguồn lực, họ rất khó để quay trở lại.
Các doanh nghiệp lớn có thể tăng lương và đảm bảo phúc lợi tốt hơn để thu hút lao động khi đại dịch kết thúc. Sau đại dịch, ví dụ như Starbucks, với hàng tỷ USD lợi nhuận, sẽ dễ dàng hơn trả lương cao hơn là một quán cà phê địa phương - có quy mô nhỏ hơn (hy vọng là quán cà phê địa phương đó trụ được qua đại dịch để mà so sánh).
Khả năng tiếp cận vốn trong các cuộc khủng hoảng này cũng rất chênh lệch. Các công ty niêm yết vẫn có thể tự tài trợ cho hoạt động của mình bằng nợ mới hoặc vốn chủ sở hữu. Nếu họ có mối quan hệ tốt với các ngân hàng, họ thậm chí còn có thể rút các dòng tín dụng quay vòng để vượt qua cơn bão. Các công ty nhỏ hơn không có nhiều lựa chọn. Đôi khi họ phải dựa vào tài sản cá nhân của chính chủ sở hữu.
Cũng có một thực tế là không phải tất cả các công ty đều đang thiệt hại trong việc kinh doanh ở thời điểm hiện tại. Các cửa hàng tạp hóa, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đặc biệt có khả năng sẽ tăng trưởng tốt trong vài tháng tới.
Kroger, chuỗi siêu thị lớn nhất của Hoa Kỳ, đã quảng cáo vào cuối tuần rằng họ cần tuyển gấp nhân viên để đáp ứng nhu cầu hoạt động khi người tiêu dùng tăng mua để dự trữ cho đại dịch. Amazon cũng đang tận dụng sự đột biến và công bố kế hoạch thuê thêm tới 100.000 lao động. Nhân viên tại các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn - có nguy cơ bị cắt giảm - sẽ có cơ hội gia nhập các công ty lớn, làm trầm trọng thêm thách thức mà các công ty nhỏ đang phải đối mặt.
Các doanh nghiệp nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong tiếp cận hỗ trợ của chính phủ. Và ngược lại, chính phủ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra các chương trình hỗ trợ hợp lý cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp nhỏ, đa dạng, mỗi bên đều có vấn đề riêng.
N gành công nghiệp quan trọng như hàng không , chỉ có một số ít các công ty, sẽ dễ dàng để hỗ trợ hơn, so với vô số nhà hàng thuộc sở hữu gia đình - có thể đã gặp nhiều khó khăn khác, ngay cả trước khi người tiêu dùng ngừng ăn uống ở ngoài. Ít nhất về mặt lý thuyết là vậy.
Một khi nền kinh tế chạm đáy của suy giảm, thì sau đó nó sẽ mở rộng. Khi đó, các doanh nghiệp lớn hơn sẽ có thể đầu tư lại vào nhân viên và bổ sung hàng tồn kho để chuẩn bị cho sự phục hồi nhu cầu và các gói kích cầu của chính phủ. Trong khi đó, các công ty nhỏ hơn vẫn nợ đầm đìa, chật vật thương lượng tiền thuê với chủ nhà, tiền hàng với nhà cung cấp chính và giá cả với khách hàng.