Lee Ju Ye cho biết khoảng 25 triệu việc làm đã bị cắt giảm trên 6 quốc gia ASEAN. Cô nhận xét rằng thời gian phục hồi tỷ lệ lao động sẽ chậm hơn nhiều so với phục hồi GDP. Các báo cáo đều chỉ ra đến năm 2022, GDP sẽ có khả năng phục hồi ở mức trước khi đại dịch. Tuy nhiên, thời gian để tỷ lệ lao động hồi phục sẽ muộn hơn từ 2 đến 4 năm.
Phó chủ tịch Maybank Kim Eng nói thêm: "Tương tự như trường hợp sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Hoa Kỳ chỉ mất 7 quý để phục hồi tăng trưởng GDP. Trong khi đó, tỷ lệ việc làm lại cần thời gian phục hồi lâu hơn".
Cô giải thích, do đại dịch lần này đã kéo dài lâu hơn nhiều so với dự đoán. Thêm vào đó, đại dịch đã có những tác động trực tiếp vào các nguồn vốn cũng như việc làm trong một số lĩnh vực nhất định như: khách sạn, du lịch, giải trí cũng như các lĩnh vực phải tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng như bán lẻ, F&B.
Lee Ju Ye nói thêm, ước tính 8 triệu việc làm tại Phillippines đã bị cắt giảm. Đây là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp lớn nhất tại ASEAN. Theo sau đó là Thái Lan, với ước tính 6 triệu việc làm bị cắt giảm trong thời gian đại dịch, tương đương hơn 10% tổng số việc làm tại các quốc gia này. Giải thích điều này, Lee Ju Ye cho biết đây là những quốc gia có thời gian đóng cửa nền kinh tế lâu nhất trong khu vực ASEAN. Tháng 4 vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp tại Phillipines đạt mức 18%, đây là mức cao nhất trong lịch sử của đất nước này.
Mặc khác, Thái Lan cũng phải chịu nhiều thiệt hại từ đại dịch, do phần lớn nền kinh tế quốc gia phụ thuộc vào ngành du lịch. Số lượng việc làm trong ngành du lịch tại Thái Lan chiếm tỷ lệ lớn nhất trong khu vực, đạt mức 9%. Hơn nữa, biên giới đóng cửa sẽ là những thách thức lớn trong việc phục hồi thị trường lao động tại xứ sở chùa vàng.
Phó chủ tịch Maybank Kim Eng đề cập rằng sự hồi phục tỷ lệ lao động trên các quốc gia phụ thuộc vào những yếu tố như: thời gian đóng cửa nền kinh tế, các chính sách hỗ trợ tài chính của chính phủ cũng như tính linh hoạt trên thị trường lao động. Dựa vào những yếu tố này, Lee Ju Ye cho biết Singapore và Malaysia là hai quốc gia sẽ có khả năng phục hồi việc làm cho người lao động nhanh nhất. Đây cũng là hai quốc gia được chính phủ đưa ra các biện pháp tài khoá rất tích cực để hỗ trợ người dân trong thời gian dịch bệnh. Chính phủ các quốc gia này cũng có các biện pháp hỗ trợ người dân đối với các khoản vay cũng như khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng thêm người lao động.
Hiện tại, Singapore đã thành lập Hội đồng việc làm quốc gia (National Job Council) với mục đích tạo ra hơn 100000 cơ hội việc làm cho người dân địa phương.
Đối với Thái Lan, quốc gia này đã có những dấu hiệu tích cực về việc phục hồi GDP. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn đang cao do những hỗ trợ từ chính phủ còn đang tương đối nhỏ.
Những quốc gia đang đối mặt với những thách thức lớn đó là Indonesia và Phillippines. Đây là hai quốc gia có thời gian đóng cửa nền kinh tế lâu nhất so với các nước còn lại.
Lee Ju Ye nhận định rằng thị trường lao động còn liên quan đến tỷ lệ các nhóm dân số của mỗi quốc gia. Khi so sánh hai quốc gia Việt Nam và Thái Lan, cô cho rằng Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, vì vậy người lao động của Việt Nam sẽ dễ thích nghi hơn và đây là một điều có lợi cho quốc gia này.
Cô cũng cho biết rằng cơ cấu nền kinh tế sẽ dịch chuyển và người lao động lớn tuổi sẽ khó bắt kịp với các xu hướng mới. Ví dụ như khi cơ cấu ngành chuyển từ các ngành bán lẻ, F&B và du lịch sang các lĩnh vực như công nghệ thông tin thì thị trường lao động trẻ sẽ có lợi hơn. Cô kết luận rằng đó là lý do Việt Nam sẽ có những lợi thế trong việc phục hồi thị trường lao động.