Nhưng nếu bạn muốn hiểu tại sao chuỗi cung ứng toàn cầu kiên cường hơn nhiều người nghĩ, hãy lấy ví dụ Middleby Corp - một trung tâm sản xuất thiết bị nhà bếp.
Khi các giám đốc điều hành của Middleby Corp báo cáo thu nhập tháng trước, các cổ đông đã vô cùng hoang mang. Không chỉ có công ty này, các doanh nghiệp khác cũng đồng loạt lên tiếng báo động về sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sẽ làm giảm lợi nhuận quý đầu tiên.
Tuy nhiên, Middleby cũng đập tan những lo ngại của cổ đông khi nhấn mạnh: "Trọng tâm chuỗi cung ứng đã thay đổi trong hai năm qua do thương chiến Mỹ - Trung, và khá bất ngờ là điều đó lại có thể giúp hạn chế thiệt hại.
Thương mại thế giới lần đầu tiên suy giảm sau gần một thập kỷ, kể từ năm 2009
"Tôi có thể tự tin nói với bạn, chỉ trong vài ngày sau khi Trung Quốc công bố dịch, tôi biết chính xác các thành phần nào của sản phẩm sẽ bị ảnh hưởng và đã có kế hoạch chiến thuật để giải quyết nó", ông David Brewer, Giám đốc vận hành công ty này nói với các nhà phân tích.
Các giám đốc điều hành từ công ty Elgin, có trụ sở tại Illinois cũng đã khai trương một nhà máy mới ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái nhằm tăng doanh thu từ thị trường Trung Quốc và các nơi khác ở châu Á. Lần đầu tiên, doanh thu ở thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD vào năm 2019, chiếm hơn 1/3 tổng doanh thu ròng trong năm, họ nói thêm.
Toàn cầu hóa đã khiến dòng hàng hóa, dịch vụ và con người ngày càng không có rào cản, đặc biệt là rào cản biên giới quốc gia. Nhưng tiến trình toàn cầu hóa đã phải trải qua 4 năm bầm dập với sự nổi dậy của chủ nghĩa dân tộc và xu hướng khu vực hóa, làm các công ty đa quốc gia thiệt hại nghiêm trọng. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tiếp tục khiến mọi thứ tồi tệ hơn.
Thương chiến của Tổng thống Trump trong suốt 2 năm qua cũng không làm các công ty khốn đốn bằng sự bùng phát coronavirus - chỉ mất vài tuần để nổi lên như một mối đe dọa tiềm tàng đối với toàn cầu hóa thế kỷ 21.
Các nhà kinh tế tại Allianz đã tính toán rằng sự bùng phát dịch và những nỗ lực ngăn chặn nó sẽ khiến xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thế giới thiệt hại 320 tỷ USD mỗi quý, lớn hơn cả thiệt hại hàng năm của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Không quá khi nói rằng đòn kép này là cuộc tấn công lớn nhất đối với kinh tế toàn cầu kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra cách đây hơn một thập kỷ, xa hơn có thể là từ các cuộc tấn công ngày 11/9/2001 trước đó. Điều này gây ra những lo ngại về suy thoái mới ở các nền kinh tế lớn. Nhưng cũng có lý do để lạc quan rằng: chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ đủ khả năng chống chọi và nếu vượt qua thì sẽ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Việc coi thương mại hàng hóa vật chất là biểu hiện của toàn cầu hóa đang bỏ qua các yếu tố khác của xu hướng này.
Điều này có thể giải thích tại sao khi được hỏi về sự gián đoạn dài hạn trên Fox Business Network vào tuần trước, Tim Cook của Apple cho biết ông chỉ dự kiến sẽ có các điều chỉnh nhỏ đối với chuỗi cung ứng và sản xuất . Ông cũng nói sẽ chỉ thực hiện những thay đổi nho nhỏ, không phải là các thay đổi lớn hay cơ bản.
Các nhà phê bình toàn cầu hóa đang tập trung vào dịch bệnh và làm dấy lên mối lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc đối với mọi sản phẩm: từ kháng sinh, khẩu trang cho đến các sản phẩm khác.
Toàn cầu hóa đã vượt khỏi tầm kiểm soát, ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, đã có một bài phát biểu vào ngày 6/2 tại Liên minh Oxford, nơi ông phàn nàn rằng hiện tại, có tới 200 nhà cung cấp tại 43 quốc gia trên 6 lục địa chỉ để sản xuất ra iPhone.
Thuế quan của chính quyền Trump chắc chắn đã thúc đẩy xu hướng địa phương hóa hoặc khu vực hóa chuỗi cung ứng, nhưng rõ ràng là người hưởng lợi là Việt Nam, Mexico hoặc Đông Âu chứ không phải Hoa Kỳ. Và trong nhiều trường hợp, ngay cả khi địa điểm lắp ráp sản phẩm cuối cùng thay đổi, nguyên liệu thô và linh kiện vẫn được sản xuất ở Trung Quốc.
Theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới được công bố năm ngoái, thương mại gắn liền với chuỗi cung ứng toàn cầu đã thực sự giảm. Nhưng Caroline Freund, Giám đốc Thương mại, Hội nhập và Khí hậu Đầu tư Khu vực tại Ngân hàng Thế giớ, nói rằng sẽ là sai lầm khi coi đó là một dấu hiệu của toàn cầu hóa.
Bà nói: "Cho dù các chuỗi cung ứng đã ngừng mở rộng, không có bằng chứng nào cho thấy chúng đang thu hẹp, ngay cả cú sốc phát sinh từ vụ dịch coronavirus ở Trung Quốc cũng chưa chắc sẽ thay đổi được điều đó".
Số công ty tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn. Ít nhất 51.000 công ty trên toàn thế giới có một hoặc nhiều nhà cung cấp cấp I ở các khu vực bị ảnh hưởng của Trung Quốc, theo Dun & Bradstreet.
Hơn 5 triệu công ty toàn cầu - Dun & Bradstreet tính toán - có ít nhất một nhà cung cấp cấp II ở khu vực bị ảnh hưởng của Trung Quốc, bao gồm 938 công ty trong bảng xếp hạng Fortune 1000.
Vasco Carvalho, một nhà kinh tế của Đại học Cambridge, người đã nghiên cứu cú sốc chuỗi cung ứng lớn gần nhất tấn công nền kinh tế toàn cầu - trận động đất và sóng thần năm 2011 tại Nhật Bản - cho biết tác động của coronavirus dường như phức tạp hơn thảm họa Fukushima.
Ông cũng lập luận, các công ty hiện đang phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa việc tiếp tục tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hay chịu khoản chi phí sản xuất cao hơn. "Chúng ta đang bước vào một thế giới bất ổn hơn, và để thích nghi với sự không chắc chắn đó, có khả năng một số công ty sẽ "hồi hương". Tôi không cho rằng mọi thứ sẽ sụp đổ. Tôi chỉ nghĩ rằng bạn phải chấp nhận sự bất ổn, hoặc chi phí sản xuất sẽ tăng lên".
"Thiệt hại ngắn hạn trong sản xuất dường như đã vượt xa thiệt hại do thương chiến trong hai năm qua", Kyle Handley, nhà kinh tế của Đại học Michigan, người cùng các đồng nghiệp tại Cục điều tra dân số và Ủy ban dự trữ liên bang đã tính toán chi phí của các mức thuế đó đối với các công ty Hoa Kỳ.
"Thiệt hại đó chủ yếu là vì sự khó khăn khi chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc đối với nhiều thành phần. Lần này mọi thứ còn nghiêm trọng hơn do thiếu nguồn cung vì việc đóng cửa các nhà máy do virus, không đơn thuần chỉ là tăng chi phí", Handley nói. "Hơn nữa, thời gian này các công ty trên khắp thế giới, cùng với các công ty Hoa Kỳ, đang phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế".
Kể từ thảm họa năm 2011 tại Nhật Bản, nhiều công ty đa quốc gia đã học được cách đối phó tốt hơn với thảm họa và các mối đe dọa khác đối với sản xuất bằng cách đa dạng hóa các địa điểm sản xuất. Có những lập luận cho rằng, coronavirus thậm chí còn đẩy mạnh toàn cầu hóa.
Thật vậy, sau trận động đất ở Nhật Bản, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản và các công ty khá đã chuyển một số hoạt động sản xuất ra nước ngoài, coi đó như một hàng rào chống lại các thảm họa trong tương lai.
Cho dù có đa dạng hóa chuỗi cung ứng nào từ Trung Quốc đến thế nào, cũng khó có thể hợp nhất việc sản xuất tại một quốc gia khác. Nói cách khác, thương chiến và coronavirus đã tạo ra một động lực để mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu đến nhiều quốc gia hơn - để giúp các quốc gia "chống sốc" thảm họa.
Chúng ta không thể nào biết trước cơn bão, sóng thần hay căn bệnh chết người tiếp theo sẽ bắt nguồn từ đâu. Vì vậy việc đa dạng hóa là thực sự cần thiết.
Robin Brooks, nhà kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế cho biết: "Chuỗi cung ứng được xây dựng bởi cơ sở hạ tầng lớn như cầu đường, nhà máy, tàu, đường sắt. Những thứ đó cần một thời gian dài để thay đổi và virus mà chúng ta đang đối mặt sẽ không làm gián đoạn chúng".