Nền kinh tế Hoa Kỳ đang bùng nổ trở lại sau sự đình trệ của năm 2020. Trong khi đó, các thị trường mới nổi vừa lấy lại đà tăng trưởng để phục hồi, thì giờ đây họ lại dần mất đi cơ hội này.
Sự thay đổi này sẽ tác động đáng kể đến các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan trong vài năm tới. Thông thường, tăng trưởng dưới mức trung bình cùng lạm phát thấp là "công thức" để giảm lãi suất mới và chính phủ tăng mạnh chi tiêu. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ dường như vẫn chưa tác động mạnh sau đợt nới lỏng đáng kể vào năm ngoái.
Đà phục hồi của Hoa Kỳ cũng tạo ra một vấn đề khác. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có khả năng sẽ xem xét việc rút lại loạt biện pháp kích thích trong vài tháng tới, sẽ dẫn đến nguy cơ các thị trường mới nổi đối mặt với tình trạng tháo chạy vốn, thiếu vốn, cản trở tăng trưởng kinh tế nếu đi theo hướng ngược lại.
Dự kiến Hoa Kỳ sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 7% trong năm nay. Đây được đánh giá là kết quả tích cực nhất kể từ năm 1984. Trong khi đó, tại Indonesia, quý đầu năm 2021, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đạt mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với dự báo, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan cảnh báo rằng làn sóng dịch bệnh lần này đang đe doạ đến dự báo phục hồi trước đó. Ngân hàng trung ương của Malaysia cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Chuẩn bị cho các đợt giãn cách xã hội tiếp theo đồng nghĩa với việc dự báo tăng trưởng ở các nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm.
GDP của Malaysia giảm 3,4% trong quý 4/2020 so với cùng kỳ năm trước đó. Các chuyên gia nhận định, số liệu tăng trưởng quý 1 sắp được công bố của quốc gia này có khả năng cao sẽ tiếp tục suy giảm.
Nhìn chung, các quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong việc lấy lại đà phục hồi nếu không tăng tốc trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19. Deutsche Bank AG tính toán rằng, ngưỡng 70% dân số được bảo vệ khỏi nhiễm trùng, được tiêm chủng hoặc phục hồi là một ngưỡng quan trọng. Một số nền kinh tế phát triển đang đẩy nhanh quá tình này, điển hình như Hoa Kỳ và Anh.
Song, tại Nhật Bản, việc triển khai tiêm chủng đang có dấu hiệu chậm lại. Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đang đạt được những tiến bộ đáng kể, nhưng các quốc gia khác trong khu vực lại đang tụt lại phía sau.
Đại dịch Covid-19 sẽ là một rào cản lớn về khả năng các nền kinh tế mới nổi khu vực Đông Nam Á có thể đạt tốc độ tăng trưởng giai đoạn trước khủng hoảng tài chính cuối những năm 1990. Thậm chí, đại dịch còn khiến quá trình này trở nên trì trệ hơn bao giờ hết.
Việc chậm trễ trong triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ tác động đáng kể đến Thái Lan, quốc gia phụ thuộc lớn vào ngành du lịch. Đối với Việt Nam, quốc gia này đã kiểm soát chặt chẽ tại biên giới, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội trong nước.
Tuy nhiên, điều này cũng ảnh hưởng lớn đến các hoạt động thương mại, đặc biệt khi Việt Nam được đánh giá là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh chiến tranh thương mại. Chính phủ các quốc gia trong khu vực hiện đang đối mặt với việc cần tăng hỗ trợ đối với những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đồng thời nguy cơ về việc gia tăng số lượng các công ty "zoombie" ngày càng cao.
Michael Spencer, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Deutsche Bank kết luận: "Khi các quốc gia không nhanh chóng triển khai vaccine Covid-19, tăng trưởng kinh tế từ đó sẽ bị kìm hãm trong thời gian dài".