Trong nhiều năm, đèn chiếu sáng ngày lễ được sản xuất gần như duy nhất ở Trung Quốc, nhưng thuế quan của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đã đẩy nhiều người mua đi đánh hàng ở nơi khác.
Theo một dữ liệu của hải quan Hoa Kỳ, Việt Nam đã hưởng lợi: Các lô hàng đèn Giáng sinh nhập từ Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, nhập khẩu đèn của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 49%.
Ba dãy phố kéo dài ở khu phố cổ của Hà Nội tràn ngập các mặt hàng Giáng sinh. "Có một số công ty địa phương đã nhập vật liệu, các bộ phận từ Trung Quốc và lắp ráp chúng thành các loại đèn này để bán", chị Nguyễn Thị Hà, 34 tuổi, chủ hàng đồ trang trí trên phố Hàng Mã nói. "Họ không thể tự sản xuất các linh kiện nhỏ vì sẽ tốn kém hơn nhiều so với việc nhập các bộ phận từ Trung Quốc để lắp ráp". Áp lực chiến tranh thương mại khiến hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường trong năm nay, một số chủ cửa ở Hàng Mã thông tin.
Nhìn sâu hơn vào dữ liệu, thảo luận với các chuyên gia thương mại và doanh nghiệp, một câu chuyện phức tạp hơn đã mở ra. Đèn Giáng sinh là một trong những ví dụ điển hình của danh sách thuế quan.
Hồi tháng 5, chính quyền Trump đã đánh thuế 25% đối với đèn Giáng sinh từ Trung Quốc, tăng từ mức 10% trước đó. Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục GSQL về hải quan cho biết, việc kiểm soát dòng hàng hóa bất hợp pháp là một cuộc đấu tranh quyết liệt. Đến tháng 10, các quan chức đã phát hiện ra khoảng 14 trường hợp xuất khẩu quan trọng với nhãn giả trong năm nay.
Ông đã làm việc với Bộ Kế hoạch và đầu tư trong việc rà soát triệt để vốn FDI từ Trung Quốc và Hong Kong, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 tại Hà Nội. FDI của Trung Quốc vào Việt Nam tăng trưởng đến ba chữ số vào năm 2019, dữ liệu đến tính tháng 11 cho thấy. Ông Tuấn cho biết họ đã xem xét giá trị đầu tư - đặc biệt là quy mô của các nhà máy và công nghệ được sử dụng - để xác định xem có phải các nhà đầu tư có nhắm đến việc tìm một nơi để lắp ráp tất cả các linh kiện mà họ mang từ Trung Quốc hay không.
Một số công ty tên tuổi lớn như Kyocera Corp, Sharp Corp và Nintendo Co. đã đầu tư vào Việt Nam kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu. Trong số 56 công ty đã chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 4 năm 2018 đến tháng 8 năm 2019, 26 công ty đã chuyển đến Việt Nam. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo báo cáo mới nhất ước tính sẽ đạt 38 tỷ USD trong năm 2019.
Thặng dư hàng hóa của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên 46,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019 - tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
Frank Skinner, Giám đốc tiếp thị của WinterType Corp có trụ sở tại Georgia, có công ty nhập khẩu đèn Giáng sinh và các đồ trang trí ngày lễ khác nói: "Sẽ mất vài năm để các công ty có thể vượt qua điều này [chiến tranh thương mại]. Đối với những công ty như chúng tôi, sự biến động cầu theo mùa là rất lớn, gây ra nhiều khó khăn hơn".
Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm thương mại châu Á tại Singapore cho biết, người Trung Quốc rất giỏi trong việc tạo ra lượng lớn hàng hóa giá rẻ. Công nhân của họ có những kỹ năng nhất định, không thể dễ dàng nhân rộng hoặc thay thế.