Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang bị đổ lỗi cho hầu như tất cả các vấn đề trong phát triển kinh tế và tài chính, bạn có thể thấy cụm từ "do bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung" ở khắp nơi.
Tuy nhiên, sự thực là gì? Một vài vấn đề hầu như liên quan một cách rất mơ hồ đến các rào cản thuế quan. Một số những vấn đề khác thì đã có mầm mống sâu xa từ trước, thậm chí trước cả khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để tâm đến Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong các lĩnh vực khác, như chính sách tiền tệ, cuộc chiến giữa hai ông Trump - Tập chỉ thúc đẩy quá trình thay đổi của nó diễn ra nhanh hơn, chứ nếu như không có những bất hòa này, kết quả vẫn vậy mà thôi.
Nỗi sợ mới nhất của chúng ta về tác động của chiến tranh thương mại là viễn cảnh của một cuộc suy thoái, được cho là sẽ xảy ra khiến thị trường cổ phiếu và lãi suất trái phiếu trượt dài. Thủ phạm thực sự là gì? Bạn đoán rằng đó là chiến tranh thương mại? Nhưng chu kỳ mở rộng của nền kinh tế Hoa Kỳ đã 10 năm tuổi, như thế đã là quá lâu. Dù cho thuế quan có bị áp hay không, suy thoái cũng là không thể tránh.
Nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong dài hạn, và trở nên trầm trọng hơn do áp lực nợ nần - hậu quả của việc điều hành chính sách trong nước, chứ không phải vì Nhà Trắng. Trung Quốc đang chuyển sang mô hình kinh tế ít phụ thuộc vào xuất khẩu và sản xuất cấp thấp giá rẻ, không có thuế quan thì lao động và chi phí sản xuất ở đây vốn đã tăng rồi, sớm hay muộn thì các công ty cũng rời đi thôi.
Theo IMF, tính đến năm 2016, thu nhập ở Trung Quốc đã đạt đến cột mốc bằng với mức thu nhập khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bắt đầu chuyển các chuỗi dây chuyền sản xuất ra nước ngoài.
Hội nghị bàn tròn kinh tế Singapore lần thứ 31 có chung một ý tưởng: sự bất hòa giữa Washington và Bắc Kinh đang khuếch đại các hiện tượng hiện có hoặc nhấn mạnh các những sự chuyển đổi sẵn có. Dù vậy, cuộc tranh chấp này không phải là chất xúc tác duy nhất. Bloomberg lập luận, một số công ty đang sử dụng thuế quan như một cái cớ (mà họ đã tìm kiếm từ lâu) để rút khỏi Trung Quốc.
Vậy còn Việt Nam trong câu chuyện này thì sao? Việt Nam tiếp tục nổi lên với tư cách là đối tác thương mại lớn tiếp theo của Hoa Kỳ, được cho là hưởng lợi từ cuộc xung đột thuế quan. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã tăng lên, vậy không có chiến tranh thương mại thì Việt Nam không làm được điều đó?
Bloomberg cho rằng nhiều hoạt động sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, trước cả khi chiến tranh thương mại nổ ra, và nhập khẩu hàng Việt Nam của Mỹ, cũng đã tăng từ trước đó rồi.
Việt Nam đã tự mình thực hiện rất nhiều chuyển đổi về cả ổn định chính trị, kinh tế cũng như các chính sách tiền tệ và tài khóa. Không có tranh chấp thương mại, chi phí lao động và sản xuất ở Việt Nam vẫn rẻ, kinh tế Việt Nam vẫn hội nhập sâu và Mỹ vẫn là nhà nhập khẩu lớn nhất.
Có thể chiến tranh thương mại không "tuyệt" và "dễ dàng" như ông Trump nói, nhưng nó không phải là nguyên nhân cho tất cả biến động kinh tế hiện tại. Mấu chốt là, chẳng có quốc gia nào lại chỉ ngồi im và trông chờ sự phát triển của mình vào một cuộc chiến giữa hai quốc gia khác cả.