Vừa qua, Bloomberg đã công bố bảng xếp hạng theo tháng đánh giá khả năng phục hồi của 53 nền kinh tế, từ mức tốt nhất cho đến mức tệ nhất. Xếp hạng Khả năng Phục hồi hậu Covid-19 của Bloomberg được đưa ra dựa trên 10 tiêu chí, từ đó tìm ra những nền kinh tế đang ứng phó dịch bệnh hiệu quả, với ít gián đoạn về kinh tế và xã hội nhất.
Các dữ liệu này bao gồm: tỷ lệ tử vong, tỷ lệ xét nghiệm, khả năng tiếp cận vaccine, khả năng tự do di chuyển... Theo đó, Việt Nam tăng 4 bậc so với xếp hạng tháng trước, lên vị trí 11.
Kết quả này đạt được là nhờ các biện pháp chống dịch hiệu quả. Dự báo, kinh tế Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 7,3%.
Bloomberg nhận định, bài học rút ra trong tháng 4 là chỉ tiêm vaccine thôi vẫn chưa đủ để đối phó với đại dịch Covid-19, mà còn cần áp dụng các biện pháp phòng dịch đúng hướng, cũng như thực thi nghiêm ngặt các biện pháp.
Bên cạnh đó, xếp hạng của các nền kinh tế như Pháp, Chile giảm đáng kể trong tháng này, bởi sự bùng phát của các ca nhiễm biến thể mới, cùng với thiếu hụt vaccine và những nỗ lực phòng chống dịch chưa mang lại hiệu quả.
Toàn cầu hiện đã có hơn 1 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân. Song, số lượng này vẫn không đủ đến với những quốc gia như Ấn Độ, nơi đang chứng kiến tốc độ lây nhiễm ở mức kỷ lục.
Nguồn: Bloomberg
Ngoài ra, Trung Quốc tụt 5 bậc, ra khỏi top 10. Quốc gia này gần đây đã phát hiện một ổ dịch mới tại khu vực giáp với Myanmar. Cơ quan chức năng nước này đã phong tỏa khu vực và xét nghiệm toàn bộ người dân tại đây tới 3 lần.
Anh tăng 7 bậc, xếp vị trí thứ 18 nhờ việc kết hợp biện pháp kiểm soát biên giới nghiệm ngặt cộng với các chương trình tiêm chủng được thực hiện khẩn trương. Mới đây, quốc gia này cấm khách nhập cảnh từ Ấn Độ để ngăn chặn biến chủng virus mới. Ấn Độ, quốc gia gần đây ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, tụt 10 bậc xuống vị trí tứ 30 trong xếp hạng.