Số tiền mặt thu về cho một năm vừa qua bằng 3 lần so với số vốn bỏ ra ban đầu. Đây là một tỷ suất lợi nhuận cao chót vót mà ngay cả một ngành hấp dẫn như ngân hàng cũng không theo kịp.
2020 là một năm khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp trên toàn thế giới. Việt Nam không là ngoại lệ. Tuy nhiên, không ít công ty niêm yết trên sàn chứng khoán vượt qua giông bão và trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ mơ ước 3-5 lần mệnh giá.
Trong năm 2020, CTCP Bến xe Miền Tây (WCS) đã có 2 lần chi trả cổ tức với tổng tỷ lệ 516%, tương đương 51.600 đồng/cp (so với mệnh giá 10.000 đồng/cp).
Đây là mức cổ tức cao nhất trên sàn chứng khoán. Bến xe Miền Tây chưa công bố kết quả kinh doanh 2020 nhưng 9 tháng đã đạt khoảng 42 tỷ đồng lợi nhuân, tương đương lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 14.000 đồng/cp.
Trong 2020, Bến xe Miền Tây gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quý II khi mà đại dịch Covid-19 dẫn tới hoạt động đi lại giảm mạnh. Lãi quý II của doanh nghiệp này xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm.
Trong 6 tháng qua, cổ phiếu WCS cũng tăng mạnh, từ mức dưới 160.000 đồng/cp lên mức 217.000 đồng/cp, qua đó giúp các cổ đông của doanh nghiệp này có thêm một khoản lợi nhuận đáng kể nếu bán cổ phiếu.
Nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao. |
VinaCafe Biên Hòa (VCF) tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho tỷ phú Nguyễn Đăng Quang với tỷ lệ cổ tức 250% (tương đương 25.000 đồng/cp) trong năm 2020. Trong năm 2018, doanh nghiệp này trả cổ tức 240%.
VinaCafe Biên Hòa ghi nhận lợi nhuận hàng năm đạt khoảng gần 700 tỷ đồng và có xu hướng tăng nhẹ nhờ tiết giảm chi phí.
Vinacafe Biên Hòa hiện có cổ đông lớn nhất là Masan Beverage (nắm gần 98,5%), thuộc tập đoàn Masan của tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang.
VCF và WCS nằm trong số các cổ phiếu có thị giá cao nhất trên thị trường. VCF hiện có giá khoảng 230 nghìn đồng/cp, tăng khá mạnh từ mức dưới 190 nghìn đồng/cp hồi đầu tháng 10/2020.
Nhiều cổ phiếu chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ cao khác như: Vinaxad 70%, Giấy Việt Trì 58%, Dầu Tường An 75%, FPT Online 75%, Khu công nghiệp Nam Tân Uyên 110% (trong đó 60% tiền mặt)...
Không chỉ chi trả cổ tức cao, vượt xa nhóm cổ phiếu “vua” ngân hàng, nhiều doanh nghiệp chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh, mang đến niềm hứng khởi cho các nhà đầu tư.
Trường hợp Nam Tân Uyên, cổ phiếu này tăng mạnh từ mức dưới 100 nghìn đồng/cp hồi đầu tháng 11/2020 lên mức sát 300.000 đồng/cp như hiện tại. Dầu Tường An tăng từ mức 25.000 đồng/cp cách đây gần 6 tháng lên mức 53.500 đồng/cp.
Cùng với sự hứng khởi của thị trường nhờ dòng vốn giá rẻ đổ vào, kết quả làm ăn khá tốt của nhiều doanh nghiệp cũng là trụ đỡ cho giá cổ phiếu. Chỉ số VN-Index có thể sẽ vượt đỉnh kỷ lục 1204 điểm ghi nhận hồi 2018.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index hiện ở quanh mức 1.180 điểm.
Theo Rồng Việt, trạng thái lạc quan trên thị trường chứng khoán vẫn được duy trì và chưa có dấu hiệu kết thúc nhịp tăng trưởng tích cực. Hầu hết các cổ phiếu trên thị trường đều đang tỏ ra mạnh mẽ khi thu hút được dòng tiền chảy vào. Tuy nhiên đang có hiện trạng chốt lời ở những cổ phiếu đã tăng nóng và một số cổ phiếu bluechip trong thời gian qua. Với nhịp tăng vẫn đang mạnh mẽ, các nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ngắn hạn ở những cổ phiếu đang bắt đầu vào nhịp tăng mới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/1, VN-Index tăng 17,2 điểm lên 1.184,89 điểm; HNX-Index tăng 1,72 điểm lên 219,12 điểm. Upcom-Index tăng 0,88 điểm lên 76,95 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 21,4 ngàn tỷ đồng.
V. Hà