Trong phiên giao dịch 4/2, cổ phiếu Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW ) lần đầu tiên rơi xuống mệnh giá. So với vùng đỉnh giai đoạn lên sàn, PV Power đã mất phân nửa giá trị vốn hóa.
Cổ phiếu POW lần đầu dưới mệnh giá. Biểu đồ: VNDirect.
Bán vốn PV Power là một trong những phiên đấu giá nhận được rất nhiều quan tâm vào đầu năm 2018, cùng với Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và PV Oil (OIL) cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Phiên đấu giá thu hút 1.982 nhà đầu tư tham gia. Giá trúng bình quân là 14.938 đồng, cao hơn 4% giá khởi điểm, giúp Nhà nước thu về gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm tỷ lệ 61% tổng lượng bán.
PV Power sau đó đưa cổ phiếu lên giao dịch trên hệ thống UPCoM từ 6/3/2018 với giá tham chiếu 14.900 đồng/cp và đạt đỉnh ngay tại phiên đầu giao dịch tại 17.800 đồng/cp ngay trong phiên.
Trước đó, cổ phiếu BSR cũng lần đầu xuống dưới mệnh giá vào tháng 8/2018 và hiện còn 7.600 đồng/cp. Cổ phiếu OIL cũng mất mốc 10.000 đồng/cp giữa tháng 11/2019 và hiện còn 7.000 đồng/cp. Như vậy, bộ 3 cổ phiếu “hot” một thời của PVN đều đang giao dịch dưới mệnh giá.
PV Power tăng trưởng nhưng nhiều mối lo
Kinh doanh điện lực tại Việt Nam vẫn còn chịu sự chi phối rất lớn bởi Nhà nước khi hầu hết các doanh nghiệp được sở hữu bởi các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Tình trạng thiếu điện và giá điện thấp tạo thêm cơ hội tăng trưởng cho nhiều doanh nghiệp sản xuất như PV Power.
PV Power được thành lập năm 2007, là đơn vị phụ trách mảng kinh doanh điện của PVN, có nhiệm vụ sản xuất kinh doanh điện năng đồng thời tham gia xây dựng các nguồn điện. Hiện công suất của PV Power chiếm khoảng 11% công suất toàn hệ thống, riêng công suất điện khí lớn nhất cả nước với 2.700 MW.
Năm 2019, tổng công ty này có sản lượng điện đạt 22,5 tỷ kWh, vượt 4% kế hoạch. Doanh thu cả năm ghi nhận 35.421 tỷ đồng, tăng khoảng 8% và lợi nhuận đạt 2.837 tỷ đồng, tăng khoảng 24% so với năm trước.
(Số liệu 2018 là cộng dồn trước và sau cổ phần hóa). |
Mặc dù kết quả kinh doanh khả quan nhưng PV Power vẫn còn nhiều mối lo khác. Dù đầu ra được đảm bảo nhưng nguyên liệu đầu vào (than, khí) còn chưa ổn định, có nhiều thời điểm xảy ra nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu do các đơn vị cung cấp không như kỳ vọng.
Các dự án mới của PV Power còn nhiều dấu hỏi. Dự án thuỷ điện Luang Prabang (Lào) phải xây dựng bộ cơ chế đặc thù để trình Chính phủ do gặp vướng mắc về pháp lý, tính khả thi, huy động vốn, phương án đầu tư… Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 đang phải thu xếp vốn lớn từ nhiều ngân hàng nước ngoài cũng như công tác đảm bảo nguồn nguyên liệu cho dự án nhiệt điện khí LNG đầu tiên của Việt Nam này.
Quá trình thoái vốn của PVN và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Với cổ tức, công ty không đủ điều kiện để chia cổ tức 3% cho năm 2018, chính sách cổ tức cổ phiếu 6% cho năm 2019 vẫn chưa có diễn biến mới. Mới đây, nhóm Dragon Capital đã bán cổ phần và không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp.
BSR và PV Oil gặp nhiều khó khăn
Trong khi doanh nghiệp sản xuất điện PV Power vẫn tăng trưởng tốt thì 2 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu của PVN lại gặp nhiều khó khăn hơn.
Doanh thu của PV Oil vẫn tăng trưởng qua hàng năm nhờ tăng thêm địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp mỗi năm chỉ vào khoảng 2.700 tỷ đồng cho thấy sự mở rộng chưa mang lại nhiều hiệu quả. Các chi phí bán hàng và quản lý phải gia tăng theo khiến lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng giảm, chỉ còn 330 tỷ đồng năm 2019.
|
PV Oil đang đứng thứ hai về thị phần xăng dầu khi chiếm tỷ trọng trên 20%, chỉ xếp sau Petrolimex. Công ty có lợi thế cung cấp toàn bộ dầu thô nguyên liệu cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất với sản lượng bình quân 7 triệu tấn/năm.
Về mạng lưới, công ty có hơn 550 cửa hàng xăng dầu trực thuộc (COCO) và hơn 3.500 cửa hàng xăng dầu đại lý (DODO) trên cả nước. Có thể thấy do tỷ trọng cửa hàng COCO thấp cùng với chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” khiến hiệu quả của PV Oil thấp hơn so với Petrolimex – đơn vị có nhiều cửa hàng ở vị trí đắc địa tại các thành phố lớn.
Ngoài ra, PV Oil còn gặp các vấn đề tương tự về lộ trình thoái vốn nhà nước, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, khả năng tăng thị phần và cải thiện hiệu quả thông qua tăng tỷ trọng COCO, khả năng thương thảo hợp đồng với các nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Nghi Sơn…
Lọc Hóa dầu Bình Sơn cũng gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Đơn vị chủ quản Nhà máy lọc dầu Dung Quất có công suất 6,5 triệu tấn dầu thô mỗi năm, cung cấp 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Nhà máy cũng lên kế hoạch nâng cấp mở rộng vào năm 2021 để tăng công suất chế biến lên 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.
Công ty từng báo lãi kỷ lục 7.673 tỷ đồng năm 2017 trước thềm IPO nhưng bất ngờ lỗ hơn 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2018 khiến lãi ròng năm 2018 chỉ hơn 3.600 tỷ đồng, vừa đủ để hoàn thành kế hoạch năm. Hoạt động năm 2019 của BSR cho thấy sự suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Công ty có lãi 2.756 tỷ đồng và mới hoàn thành được 94% kế hoạch năm.
|
Do đặc thù chế biến liên tục, Bình Sơn luôn cần duy trì một lượng dầu thô tồn kho và cần thời gian chế biến để ra sản phẩm đầu cuối. Do vậy, khi giá dầu thô và sản phẩm giảm giá thì giá vốn cũng bị ảnh hưởng bởi yếu tố tồn kho.
Thực tế giá dầu bình quân năm 2019 giảm sâu và chỉ hồi phục vào 3 tháng cuối năm khiến công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho lớn hơn. Ngoài ra, chênh lệch giá dầu thô và sản phẩm chính (Crack spread) cũng thu hẹp tác động xấu đến lợi nhuận.
Có thể thấy hoạt động kinh doanh của BSR chịu ảnh hưởng lớn từ giá dầu thô. Ngoài ra, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các biến số khác như nguồn cung lớn từ nhà máy Nghi Sơn, tiến độ nâng cấp mở rộng nhà máy, chính sách thuế ưu đãi doanh nghiệp, chính sách thu điều tiết, chính sách nhập khẩu dầu thô…
Trong đó chính sách nhập khẩu dầu thô đã được tháo gỡ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tháng 9/2019 ký quyết định giảm mức thuế này từ mức 5% hiện nay xuống 0%. Chính sách này cùng với giá dầu phục hồi là yếu tố giúp BSR có lãi lớn ngay trong quý IV/2019.
Giống 2 đơn vị trên, tiến trình thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng chưa có nhiều tiến triển, khả năng chia cổ tức của BSR chưa có thông tin dù đang có lợi nhuận chưa phân phối gần 2.900 tỷ đồng, kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng bỏ ngỏ.