Nhiều đại gia lừng lẫy trong giới kinh doanh xăng dầu đã bị bắt vì sản xuất, buôn bán xăng giả, buôn lậu xăng hay tiêu thụ xăng nhập lậu. Song có người lại bị bắt vì mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Đại gia Ngô Văn Phát - ông trùm mua bán hóa đơn
Tối 8/9, Công an TP.Hải Phòng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam với ông Ngô Văn Phát (SN 1964, trú quận Hải An, Hải Phòng; quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Cơ quan điều tra xác định ông Phát cầm đầu một nhóm lập nhiều công ty "ma" để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng lớn.
Khi bị bắt, ông Phát đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xăng dầu Phát - Petraco. Doanh nghiệp này hoạt động từ năm 2012, ngành nghề hoạt động chính là bán buôn nhiên liệu rắn, lỏng, khí và các sản phẩm liên quan. Ngoài ra, Petraco còn có các ngành nghề khác như: khai thác quặng sắt, cát, sỏi, đất sét, bán buôn kim loại và quặng kim loại, kinh doanh bất động sản,... Phạm vi cung ứng sản phẩm của Petraco ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Ngô Văn Phát, đại gia nổi tiếng trong giới xăng dầu Việt Nam |
Không chỉ được biết đến là một đại gia xăng dầu, ông Phát còn là Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thành, tham gia vào nhiều dự án thiết kế và thi công xây dựng lớn.
Ông Phát cũng nổi tiếng là doanh nhân giàu có và đặc biệt là sở hữu những biệt thự to như lâu đài ở Hải Phòng và Thái Bình, trị giá hàng trăm tỷ đồng. Trên nóc tòa lâu đài mà đại gia này ở được thiết kế sân đậu trực thăng.
Đại gia Trịnh Sướng - ông trùm sản xuất, buôn bán xăng giả
Năm 2019, vụ việc đại gia xăng dầu Trịnh Sướng (Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, tỉnh Sóc Trăng) bị bắt gây chấn động dư luận. Trịnh Sướng là người giàu có, sống kín kẽ. Đến khi kho xăng dầu bị khám xét, các hoạt động của đại gia này mới được hé lộ.
Đại gia Trịnh Sướng. |
Trịnh Sướng sở hữu rất nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở khắp ĐBSCL. Khi có cửa hàng xăng dầu nào muốn sang nhượng, Trịnh Sướng đều mua lại, sau đó sửa sang rất hoành tráng.
Không chỉ có máu mặt trong giới kinh doanh xăng dầu, Trịnh Sướng còn được biết đến như một đại gia sở hữu rất nhiều bất động sản chiếm vị trí đắc địa ở Sóc Trăng và một số địa phương trong vùng.
Trịnh Sướng và 38 bị can khác bị truy tố vì liên quan đến việc sản xuất, mua bán xăng giả. Theo cáo trạng, năm 1996, Trịnh Sướng thành lập Công ty TNHH Mỹ Hưng với ngành nghề kinh doanh chính là mua bán xăng dầu và các sản phẩm có liên quan; mua bán khí dầu mỏ hóa lỏng. Sau đó 11 năm, đại gia này mở thêm Công ty TNHH Gia Thành nhưng cho em vợ là Trương Như Tuyết làm giám đốc. Ông Sướng còn sở hữu 75% cổ phần của Công ty cổ phần thương mại Hóa dầu Ressol.
Trong quá trình, Trịnh Sướng biết việc sản xuất xăng giả bằng cách pha dung môi với xăng thật (A95) cùng các hóa chất, rồi cho hợp chất màu công nghiệp Azo vào để tạo màu giống xăng thật. Từ năm 2017 đến thời điểm bị bắt, công ty của Sướng đã pha chế, sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả các loại (A95, A92, E5 RON 92), tương đương trị giá hàng thật 2.492 tỷ đồng.
Sau đó, Trịnh Sướng đã bán ra thị trường gần hết số xăng, dầu giả trên thông qua 337 cửa hàng thuộc đại lý bán hàng của Công ty Mỹ Hưng, Công ty Gia Thành và Công ty Ressol, thu lợi bất chính với tổng số tiền hơn 107 tỷ đồng.
Trùm vận tải biển xứ Thanh lĩnh án vì buôn lậu xăng dầu
Ngày 31/12/2013, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can Nguyễn Trường Sơn (tức Sơn 'Sắt', trú tại phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa) cùng một số nghi can khác để điều tra về hành vi buôn lậu.
Căn biệt thự của vợ chồng Sơn sắt ở TP.Thanh Hóa. |
Cơ quan chức năng xác định, ngày 17/12/2013, Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Thanh Phương (vợ Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn) thông qua một đối tượng người nước ngoài thống nhất nhập lậu 2.600m3 dầu DO. Ngoài số lượng dầu trên, Sơn cùng đồng bọn đã tổ chức nhiều phi vụ buôn lậu dầu trót lọt. Dầu DO được nhập lậu với giá 20.000 đồng/lít, đưa vào nội địa Việt Nam bán với giá 21.000 đồng/lít.
Công ty Hoàng Sơn là doanh nghiệp tư nhân do Nguyễn Thanh Phương làm giám đốc, chuyên kinh doanh vận tải, khoáng sản, xăng dầu. Hoàng Sơn được đánh giá là một trong những doanh nghiệp có năng lực vận tải biển lớn của Việt Nam, sở hữu nhiều tàu trọng tải lớn. Tuy nhiên, Công ty Hoàng Sơn nhiều lần bị phạt do kinh doanh không đúng quy định.
Hạnh Nguyên(Tổng hợp)