Các doanh nghiệp dịch vụ ngành hàng không tiếp tục lao đao vì đại dịch Covid-19. Có những doanh nghiệp nắm giữ các vị trí vàng tại sân bay Nội Bài đã bắt đầu thua lỗ. Tuy nhiên, doanh nghiệp của ông trùm Hạnh Nguyễn vẫn lãi.
CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco) - công ty con của Vietnam Airlines vừa có báo cáo tài chính 2020.
Trong năm 2020, Nasco ghi nhận doanh thu tụt giảm 43% xuống còn 339 tỷ đồng và lỗ 319 triệu đồng, so với mức lãi 38,5 tỷ đồng trong năm 2019. Trong khi đó, CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) của ông trùm hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyên, bố chồng diễn viên Tăng Thanh Hà, vẫn báo lãi gần 149,5 tỷ đồng năm 2020.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài thua lỗ, mà nguyên nhân chính là do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Doanh thu các điểm bán hàng miễn thuế xuất cảnh, lưu niệm tại nhà ga quốc tế T2 chỉ đạt 15-20% so với cùng kỳ do dừng hoạt động từ 1/4/2020 đến nay.
Trong năm 2020, Nasco vẫn hoạt động kinh doanh các dịch vụ bán hàng bách hóa và lưu niệm tại nhà ga hành khách T1 nội địa. Tuy nhiên, doanh thu cũng giảm vì lượng khách đi lại không còn như trước.
Theo báo cáo, tổng diện tích kinh doanh của Nasco chiếm 36% tổng diện tích mặt bằng kinh doanh phí hàng không; Dịch vụ nhà hàng ăn uốngchiếm 36% diện tích kinh doanh tại nhà ga T1.
Doanh nghiệp Sasco của ông Hạnh Nguyễn báo lãi, trong khi Nasco lần đầu tiên ghi nhận thua lỗ. |
Theo bản cáo bạch, Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam Vietnam Airlines nắm giữ 51% cổ phần tại CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài (Nasco).
Hoạt động kinh doanh của Công phụ thuộc phần lớn vào hoạt động của sân bay Nội Bài. Các hãng hàng không Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi trong dịch Covid-19, chỉ khai thác 1-2% đội bay.
Năm 2020, doanh nghiệp hàng không Việt Nam bị giáng đòn nặng nề sau 2 đợt bùng phát Covid-19 khiến lợi nhuận của Vietjet, Bamboo, Vietnam Airlines ảnh hưởng nặng nề. Vietnam Airlines lỗ hơn 11 nghìn tỷ, còn Vietjet và Bamboo báo lãi không nhiều và lợi nhuận đến từ các mảng khác.
Năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu giảm 59% xuống còn 40,6 nghìn tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn, doanh thu tài chính giảm mạnh và các chi phí neo ở mức cao, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế hợp nhất hơn 11.097 tỷ đồng. Về nguồn vốn, nợ phải trả của doanh nghiệp đứng ở mức 56.826 tỷ đồng, tuy nhiên vốn chủ sở hữu chỉ còn 1/3 so với cuối năm 2019, xuống 6.140 tỷ đồng do bị khoản lỗ lũy kế bào mòn.
Gần đây, hàng không Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng từ đợt lây nhiễm thứ 3 và có thể đợt thứ 4 sau vụ phát hiện bệnh nhân nhiễm virus Sars-Cov-2 tại Phú Quốc.
Về triển vọng ngành hàng không năm 2021, Công ty Chứng khoán SSI nhận định, ngành hàng không có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vaccine được phê duyệt và sử dụng trên quy mô lớn. Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không Việt Nam trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021.
Khi các hãng hàng không hồi phục thì lợi nhuận của các doanh nghiệp dịch vụ hàng không sẽ gia tăng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index tăng 9 điểm lên trên ngưỡng 1.170 điểm.
Theo Rồng Việt, VN-Index hồi phục ngoạn mục ở phiên cuối tuần sau đợt bán tháo, mặc dù kết phiên còn giảm nhẹ nhưng cũng ghi nhận được nỗ lực hỗ trợ từ dòng tiền. Với động thái hỗ trợ này, thị trường có thể sẽ dần hồi phục trong thời gian gần tới và kiểm tra lại cung – cầu ở vùng Gap 1.170-1.183 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/3, chỉ số VN-Index giảm 0,89 điểm xuống 1.162,21 điểm; HNX-Index tăng 3,77 điểm xuống 270,96 điểm. Upcom-Index giảm 0,52 điểm xuống 79,85 điểm. Thanh khoản đạt 20 nghìn tỷ đồng.
V. Hà