Theo đó, C06 đề nghị các cơ quan, đơn vị, tổ chức, sở, ban, ngành khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch dân sự của người dân thì căn cứ vào thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử, thông báo số định danh cá nhân, xác nhận thông tin về cư trú và nghiên cứu, sử dụng các phương thức ứng dụng dữ liệu dân cư… để xác định nơi cư trú của công dân.
Theo đó, các bộ ngành cũng cần tập trung rà soát, điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, thống nhất với quy định của Luật cư trú 2020, không yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Bên cạnh đó, Cục C06 cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần đẩy nhanh tiến độ đảm bảo về hạ tầng, an ninh, an toàn thông tin hệ thống để triển khai kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc kết nối nhằm mục đích sử dụng thông tin về cư trú của công dân thay cho yêu cầu công dân phải xuất trình giấy tờ chứng minh về cư trú trong giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự và công tác chuyên môn.
Thẻ căn cước công dân có gắn chíp thay thế sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 1/1/2023, sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy sẽ chính thức bị “khai tử”, không còn giá trị sử dụng. Cơ quan chức năng sẽ quản lý thông tin cư trú của người dân bằng phương thức điện tử.
Kể từ 1/7/2021, thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.
Đối với sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy đã được cấp trước ngày 1/7/2021, vẫn được sử dụng và có giá trị cho đến hết ngày 31/12/2022.