Ngày 23-11, nguồn tin của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết một tổ công tác của Bộ Công an đang làm việc với các sở, ngành tại TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ các hoạt động của công ty CP Địa ốc Alibaba.
"Hiện các sở, ngành tại TP HCM đã cung cấp cho cơ quan cảnh sát điều tra một số thông tin cơ bản về hoạt động doanh nghiệp này. Qua đó cho thấy doanh nghiệp đã đứng ra rao bán với khái niệm "đặt chỗ dự kiến" với các khu đất chưa giải toả, chưa có chủ đầu tư" - nguồn tin cho hay.
CEO Nguyễn Thái Luyện và trụ sở công ty Địa ốc Alibaba tại quận Thủ Đức, TP HCM- Đồ hoạ: Tấn Nguyên
Trước đó, ngày 21-11, UBND TP HCM đã có công văn gửi đến Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) và các sở, ngành liên quan chỉ đạo về việc xử lý các hoạt động sai phạm của Công ty CP Địa ốc Alibaba.
Theo đó, UBND TP giao cho Sở Xây dựng chủ trì cùng với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty CP Alibaba Tây Bắc về dự án Alibaba Tây Bắc Củ Chi và đề xuất cho UBND TP về hướng xử lý. Đồng thời, yêu cầu UBND huyện Củ Chi phải nắm bắt rõ vụ việc, lên phương án chủ động bảo đảm an ninh trật tự.
Ngày 22-11, các cơ quan chức năng liên quan ở 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã lên kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của công ty CP địa ốc Alibaba trên địa bàn 2 tỉnh này.
Công ty CP Địa ốc Alibaba đã đăng ký thay đổi thông tin với số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỉ đồng.
Tương tự, với Công ty CP Alibaba Tây Bắc TP HCM dù mới thành lập nhưng có số vốn điều lệ đăng ký lên tới 12.000 tỉ đồng. HoREA đánh giá số vốn đăng ký như vậy là quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỉ đồng mà lại cam kết góp vốn đến 7.800 tỉ đồng.