Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đang điều tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu sai phạm về lĩnh vực đất đai liên quan đến Công ty CP địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba), địa chỉ 321 Điện Biên Phủ,phường 15, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, quá trình xác minh được biết, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Alibaba rao bán đất nền của 29 dự án.
Trong đó, huyện Long Thành có 27 dự án gồm: Xã Phước Bình có 3 dự án (Alibaba Central Park, Alibaba Central Park II, Alibaba Central Park III); xã An phước có 1 dự án Alibaba An Phước; xã Long Phước có 21 dự án (Long Phước 1,2,…,16, Long Phước Golden Poin, Long Phước Golden Poin 2, Khu dân cư quốc tế Lilama, Alibaba Long Thành Capital, Long Phước Residence); xã Phước Thái có 1 dự án Alibaba Phước Thái Capital; xã Bàu Cạn, Tân Hiệp có 1 dự án Khu đô thị Alibaba Bàu Cạn Riverside.
Ngoài ra, Công ty Alibaba rao bán dư án Ali Qua Nhơn Trạch ở Xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch và dự án Ali Mega Xuân Lộc tại xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.
Công ty Alibaba tự vẽ hàng chục dự án "ma" trên đất nông nghiệp ở tỉnh Đồng Nai, rồi phân lô bán nền khi chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.
"Để phục vụ công tác điều tra, xứ lý đề nghị Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu liên quan đến các dự án nói trên", Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị.
Như Tiền Phong thông tin trước đó, theo thông tin từ UBND tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Công ty Alibaba đã ngang nhiên tự vẽ quy hoạch, phân lô bán nền đất nông nghiệp 29 dự án thuộc địa bàn các huyện: Long Thành, Xuân Lộc và Nhơn Trạch.
Tính đến thời điểm này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng như các huyện, thành phố trong tỉnh chưa cấp phép bất kỳ dự án nào cho Công ty Alibaba. Do đó, những dự án Alibaba quảng cáo trên website của công ty này và các trang mạng xã hội đều là dự án "ma". Vì thế, người dân trước khi mua đất nên đến UBND các xã, huyện, thành phố tìm hiểu thông tin về thửa đất để tránh mua phải những dự án "ảo".
Cũng theo UBND tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh hiện đang điều tra làm rõ vi phạm của doanh nghiệp này để xử lý nghiêm, không để Alibaba ngang nhiên phân lô, bán nền đất nông nghiệp ở những dự án"ma".
Trong khi đó, Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh này cho rằng các địa phương phải quản lý thật chặt đất đai trên địa bàn. Trường hợp phát hiện Công ty Alibaba cố tình quảng bá, phân lô, bán nền đất nông nghiệp phải xử lý ngay, buộc Alibaba tháo dỡ những khu vực xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trả lại nguyên trạng ban đầu.
Làm gì để không mưa phải dự án “ma”? Theo các chuyên gia để tránh rủi ro khi mua phải dự án “ma”, có 2 vấn đề mà nhà đầu tư cần quan tâm là pháp lý và điều kiện kinh doanh của chủ đầu tư. Về mặt pháp lý, mọi dự án đều phải có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Theo Luật Đầu tư mới có hiệu lực từ tháng 7/2015, các dự án phải xin phê duyệt 1/2000 xác định quy hoạch vùng, 1/500 xác định quy hoạch sử dụng đất, thiết kế cơ sở, phương án kiến trúc… đồng thời chủ đầu tư phải hoàn tất tất cả các nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Để có quyết định đầu tư, hồ sơ dự án phải trình lên UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét. Mọi dự án đều có quyết định đầu tư. Nếu dự án đã có quyết định đầu tư, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư đã nộp đủ ngân sách, thực hiện xong những nghĩa vụ nhất định từ quá trình đầu tư, lên phương án thiết kế, quy hoạch... và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận. Khách hàng có thể tìm kiếm quyết định đầu tư dự án trên cổng thông tin của các cấp ủy ban, UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương. Ngoài vấn đề pháp lý, nhà đầu tư cũng cần xem xét đến việc dự án đã đủ điều kiện mở bán hay chưa. Chẳng hạn, để được mở bán, dự án đất nền phải làm xong hạ tầng, dự án chung cư phải làm xong cốt 0.0. Khi đó, hợp đồng đầu tư mới có giá trị.