Tổ chức sắp xếp bộ máy; cắt giảm các điều kiện kinh doanh (ĐKKD); xử lý 12 đại dự án thua lỗ. Có thể nói đây là 3 việc cực khó, nan giải, trong đó có 2 việc đầu tiên vẫn được dư luận ví von “Bộ tự lấy đá ghè chân mình”.
Nhưng mới qua gần 2 năm, 3 cái khó trên đã được Bộ Công Thương xắn tay hóa giải, biến cái quá khó thành cái bớt khó, thậm chí có cái khó của mình thành cái dễ cho cộng đồng DN và người dân.
“Lấy đá ghè chân mình” - biết đau vẫn đi tiên phong
Thực ra thì 2 việc khó dưới đây bất cứ bộ, ngành nào rồi cũng phải làm nhưng với Bộ Công Thương gần như là bộ tiên phong và làm thật chứ không “diễn” lấy thành tích.
Trước hết việc sắp xếp tinh giản bộ máy có lẽ không chỉ là câu chuyện khó của riêng Bộ Công Thương. Vốn là bộ chuyên ngành nhập từ 6 bộ, ngành trước đây, quản lý khối lượng ngành, DN có tầm quan trọng đặc biệt, chiếm tới gần 70% GDP và 80% giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại của cả nước nên bộ máy quản lý phình ra là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, trên tinh thần xây dựng một bộ máy từ ban phát sang phục vụ, theo đúng tinh thần kiến tạo, liêm chính nên người đứng đầu ngành công thương - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng tập thể lãnh đạo bộ đã mạnh tay thu gọn, cắt giảm, cải cách bộ máy một cách bài bản, căn cơ và cũng không kém phần quyết liệt. Đó là giảm từ 35 đầu mối xuống còn 30 đơn vị, từ 197 phòng xuống còn 125 phòng (giảm 72 phòng).
Dĩ nhiên đụng chạm đến con người, chức tước là vấn đề vô cùng nhạy cảm dễ bị tổn thương. Và cũng dĩ nhiên đây đó vẫn còn những tâm tư này nọ là lẽ dễ hiểu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể bộ máy vẫn “chạy”, và chạy hiệu quả cho thấy một cách làm đúng, thuận quy luật.
Việc khó thứ hai mà suốt hơn 1 năm qua báo chí và dư luận dành nhiều lời khen cho Bộ Công Thương là bộ này đã tiến hành “3 cuộc cách mạng” tấn công vào thành trì các rào cản hay nói cách khác là những việc làm khó, làm khổ DN và người dân. Đó là việc dứt khoát loại bỏ các ĐKKD hành DN - và cũng là dư địa dễ nảy sinh tiêu cực.
Đợt đại phẫu thuật cắt giảm đầu tiên là vào tháng 12.2016 với 123 thủ tục hành chính được bãi bỏ hoặc đơn giản hóa/443 thủ tục hành chính thuộc bộ quản lý. Ở thời điểm đó động thái này của Bộ Công Thương đã làm sửng sốt những cái đầu bảo thủ, cố giữ và nắm lấy những đặc quyền đặc lợi và ngược lại nó là sự vui mừng khôn tả với giới doanh nhân. Nó được giới chuyên gia và dư luận cả nước đánh giá là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử ngành công thương.
Đợt cắt giảm thứ hai mạnh mẽ hơn là vào năm 2017, Bộ Công Thương tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa tới 183 thủ tục/451 thủ tục hiện có của bộ tại thời điểm đó.
Đặc biệt là với việc Thủ tướng ký Nghị định 08 và được đích danh Thủ tướng công bố vào sáng 15.1.2018 - ngày Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 2017 và bàn việc thực hiện năm 2018 - thì ngành này đã chính thức bãi bỏ 675 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc 8 lĩnh vực, chiếm tới 55,5% tổng số ĐKKD mà ngành quản lý. Động thái này của Bộ Công Thương được dư luận lúc đó đánh giá với những mỹ từ không ngoa chút nào “người đi tiên phong, tư duy đột phá, cởi trói tối đa cho doanh nghiệp…”. Đích danh Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần khen ngợi động thái này của Bộ Công Thương và coi đó như hình mẫu nhắc nhở các bộ ngành khác noi theo.
Tuy nhiên, với tư duy cải cách triệt để luôn không hài lòng với những gì đã làm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh một lần nữa lại ghi điểm với giới doanh nhân và người dân cả nước khi vào ngày 27.4.2018 bất ngờ ký quyết định tiếp tục khai tử và đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính với 10 lĩnh vực, tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Đây được đánh giá là “cuộc cách mạng lần thứ 3” tấn công triệt để vào thành trì thủ tục hành DN và ngay lập thức nó được giới doanh nhân tán thưởng nhiệt liệt.
Xử lý 12 đại dự án chết lâm sàng - cái khó ló dần cái khôn
Vào thời điểm cuối năm 2016, có đại biểu QH đã phải nói đây là “bản danh sách đau lòng” khi nói đến bức tranh vô cùng ảm đạm của 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỉ của ngành công thương. Số nợ chồng chất lên tới hàng chục nghìn tỉ, sản xuất cầm cự, càng làm càng lỗ, một số dự án đắp chiếu, chết lâm sàng, chết không chôn được. Với số vốn đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, nợ ngân hàng mỗi ngày hàng tỉ đồng, sản xuất ra không nơi tiêu thụ, nợ lương người lao động, chất xám rời bỏ nhà máy, máy móc xuống cấp. Không ít cán bộ quản lý bị kỷ luật, thậm chí rơi vào vòng lao lý.
Trong khi đó, Chính phủ kiên quyết không cấp vốn ngân sách cho bất cứ dự án nào nữa mà phải xử lý theo cơ chế thị trường. Đó là những cái khó, thậm chí vô cùng nan giải mà không chỉ ngành công thương có thể giải quyết ngày một ngày hai. Tuy nhiên, với trách nhiệm với DN và người lao động, một đề án tổng thể xử lý 12 đại dự án này đã được Bộ Công Thương trình với Chính phủ và được chuẩn y.
Sau hơn 1 năm tích cực dồn mọi công sức, trí tuệ, báo cáo trước Quốc hội vào cuối tháng 5 vừa rồi, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã cung cấp một bức tranh bước đầu tương đối sáng sủa về 12 dự án này.
Đáng nói là trong số 6 dự án đã hoạt động trước đây nhưng thua lỗ thì 2 dự án đã có lãi (Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung). Và theo Bộ trưởng thì sắp tới sẽ đề nghị rút 1 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ này. 4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và dần hoạt động ổn định. Theo lộ trình thì đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc xử lý 12 dự án nói trên.
Kê vài con số khô khan như vậy nhưng để có bức tranh đỡ ảm đạm thậm chí có vài ánh sáng le lói như trên cho thấy cả một cuộc chạy đua với thời gian và công sức, trí tuệ của đội ngũ quản lý cũng như những người lao động tại 12 đại dự án này. Làm sống lại 12 đại dự án sẽ tạo công ăn việc làm rất lớn cho đội ngũ hàng chục nghìn lao động, cứu được khối tài sản khổng lồ của Nhà nước đã đầu tư, trả được gánh nợ cực lớn cho ngành ngân hàng.
Nếu thỏa mãn - sẽ thất bại
Giảm đầu mối, phòng ban mới chỉ là bước đầu, thậm chí mới giảm cơ học. Giảm nhân lực yếu kém, thậm chí là rào cản cho bộ máy phục vụ dân và DN mới nan giải. Hơn thế, giảm số lượng nhưng không giảm chất lượng phục vụ, ngược lại phải tăng hiệu quả, chạy êm thuận hơn mới có ý nghĩa. Việc này đang đặt ra cho lãnh đạo Bộ Công Thương không được dừng lại với kết quả hiện có.
Tương tự giảm tới phân nửa ĐKKD - dù đột phá nhưng trước mắt vẫn còn đó gần 600 ĐKKD nữa đang tiếp tục được rà soát. Và ngay cả 675 ĐKKD đã khai tử thì giới DN vẫn chưa hết lo ngại sẽ sinh ra những giấy phép con hoặc những điều kiện “phi hành chính” khác - vốn vẫn có thể tác oai tác quái với họ bất cứ lúc nào. Bởi thế, giảm thủ tục cũng chỉ mới là bề nổi, con người thực thi mới quyết định nên xây dựng đội ngũ cùng một cơ chế minh bạch vẫn là yếu tố sống còn với ngành công thương nếu muốn cải cách triệt để.
Cuối cùng, 12 đại dự án muốn sống, thậm chí sống khỏe cũng còn phải trải qua một núi việc phải làm. Cơ chế thị trường vốn nghiệt ngã vô cùng. Thoát khỏi bầu sữa bao cấp trong khi trên mình mang một gánh nợ vô cùng lớn, mở mắt mỗi ngày đã mất hàng tỉ tiền lãi ngân hàng thì ai dám đứng mũi chịu sào đây? Rồi sản phẩm làm ra chịu rủi ro vô cùng lớn của thị trường cung- cầu sẽ là cú sốc với bất cứ dự án nào mới ốm dậy. Cứu sống các dự án này đã có, nuôi nó khỏe trở lại và khỏe bền vững còn nan giải gấp vạn lần.