Nói về phương án xử lý Dự án Lọc hoá dầu Nghi Sơn (Thanh Hoá), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh đây là dự án rất lớn, vốn đầu tư nước ngoài cao và có tầm quan trọng đặc biệt.
Chính vì vậy, từ tháng 4/2008, dự án này đã được cấp giấy phép đầu tư. Tới ngày 25/1/2013, Chính phủ Việt Nam đã cấp giấy bảo lãnh của Chính phủ cho dự án này. Việc bảo lãnh có 2 nội dung là ưu đãi về thuế và bao tiêu sản phẩm khi dự án đi vào sản xuất.
Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã ký, đàm phán nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước đã có hiệu lực, nhiều nước có mức thuế khác nhau, vì vậy phát sinh dự án này được bảo lãnh của Chính phủ nhưng khi so với các dự án khác có những nội dung so sánh có thể cao hơn hay thấp hơn.
“Chính phủ đã giao các Bộ, ngành tìm phương án hợp lý nhất trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công Thương đã hoàn thành phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ. Ngày 27/10 vừa qua, Ban Cán sự Đảng của Bộ Công Thương đã có báo cáo lên Bộ Chính trị, hiện đang chờ ý kiến Bộ Chính trị quyết đáp”, Thứ trưởng nói.
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Hải cũng thông tin việc xử lý Dự án thép Thạch Khê (Hà Tĩnh). Theo ông, đây cũng là dự án đã kéo dài rất lâu, đã được các cấp, ngành cấp tạo điều kiện thực hiện và đến nay các doanh nghiệp đã đầu tư khoảng gần 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau đó có sự lo ngại, quan ngại của Hà Tĩnh và một số nhà khoa học, chuyên gia mặc dù dự án này đã có sự vào cuộc, giám định và có ý kiến của các cơ quan có chuyên môn theo chức năng, kể cả tư vấn trong và ngoài nước.
“Bộ Công Thương đã báo cáo quan điểm về dự án này lên Chính phủ. Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu một số bộ, ngành khác, kể cả các cơ quan có chức năng, chuyên môn có ý kiến về việc này. Bộ sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi có ý kiến chính thức”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.