Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác bảo đảm nguồn cung xăng dầu và thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương yêu cầu lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm việc đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá.
Cụ thể, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường: Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu trên cả nước (kiểm soát chặt chẽ chất lượng, số lượng, giá bán xăng dầu kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu); thực hiện các hoạt động kiểm tra chấp hành pháp luật tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu (các doanh nghiệp đầu mối, phân phối, các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống phân phối); xử lý nghiêm hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, các hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng và buôn lậu xăng dầu.
Cục Xuất nhập khẩu có nhiệm vụ rà soát các thị trường nhập khẩu xăng dầu để có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tiếp cận nguồn hàng xăng dầu chất lượng tốt, giá hợp lý, bảo đảm thực hiện kế hoạch cung cấp xăng dầu cho thị trường trong nước.
Vụ Dầu khí và than chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, cung ứng đủ số lượng, chủng loại xăng dầu theo kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt.
Sở Công Thương các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường trong nước, phục vụ đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu Vụ Thị trường trong nước: Chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tìm kiếm, có phương án bảo đảm nguồn hàng từ nguồn trong nước và nhập khẩu; tuân thủ nghiêm quy định về dự trữ lưu thông theo tinh thần của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để bảo đảm nguồn cung xăng dầu đầy đủ và kịp thời, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh.
Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, các nước bắt đầu triển khai các biện pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhu cầu hàng hóa nhất là các mặt hàng nhiên liệu, năng lượng tăng trở lại, thị trường xăng dầu trong nước và thế giới đang có diễn biến phức tạp. Trong nước, sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội, nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Đồng thời, một số nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để thực hiện việc bảo dưỡng nên nguồn cung xăng dầu thành phẩm bị sụt giảm.
Đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu mặt hàng xăng dầu, diễn biến giá xăng dầu trong nước và thế giới để tham mưu điều hành giá mặt hàng xăng dầu phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện tại, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.