Khủng hoảng năng lượng đang diễn ra trên thế giới
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đang rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng nghiêm trọng. Nổi bật là tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng thiếu điện của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bùng phát từ tháng 9 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.
Hàng triệu người ở miền Bắc Trung Quốc đã phải sống chung với tình trạng thiếu điện chưa từng có tiền lệ. Các nhà máy ngừng hoạt động vì mất điện, công nhân nhiều nơi phải nhập viện vì ngộ độc khí CO do hệ thống thông khí không hoạt động
Trong gánh nặng thiếu than (than nhập khẩu và khai thác đều bị giảm do Covid-19), giá nhiên liệu cao và nhu cầu công nghiệp tăng mạnh thời kỳ tái mở cửa, việc thiếu điện đã trở thành một cuộc khủng hoảng. Trung Quốc đã phải hạn chế việc sử dụng điện ở 17 trong khoảng 30 tỉnh thành trên cả nước từ tháng 9, khiến nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất và làm gián đoạn các chuỗi cung ứng.
Tại châu Âu, cuộc khủng hoảng năng lượng cũng đang gây ra hàng loạt nguy cơ kinh tế cũng như địa chính trị.
Giá khí đốt tự nhiên những tháng gần đây ở châu Âu tăng vọt lên tới 600% khi nhu cầu tăng, bắt nguồn từ việc các nền kinh tế tái mở cửa sau Covid-19. Bên cạnh đó, sau mùa đông dài lạnh cực đoan năm 2020, châu Âu không còn nhiều khí đốt dự trữ. Những diễn biến thời tiết, trục trặc tại các nhà máy sản xuất khí đốt toàn thế giới và giao dịch đầu cơ trên thị trường EU càng làm khủng hoảng thêm trầm trọng.
Ba nguyên tắc nhằm đảm bảo cung cấp điện tại Việt Nam
Trước tình hình thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhiên liệu, nguy cơ thiếu điện đang lan sang nhiều quốc gia, không còn chỉ ở Trung Quốc, Anh, Ấn Độ…
Sau khi làm việc với các đơn vị, tập đoàn, tổng công ty liên quan về vấn đề này, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình cung ứng điện năm 2022 - 2023 và các giải pháp cấp bách nhằm đảm bảo cung cấp điện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Báo cáo do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gửi Thủ tướng Chính phủ đề cập về ba nguyên tắc chính nhằm đảm bảo cung cấp điện trong năm 2022 và các năm tiếp theo, bao gồm:
Nguyên tắc thứ nhất, tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện.
Thứ hai, bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo để chỉ đạo, điều hành.
Thứ ba, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính trong đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và các nhu cầu xã hội, không để thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào.
Bộ Công thương đề ra 5 giải pháp để đối phó nguy cơ khủng hoảng năng lượng
Căn cứ trên đánh giá về tình hình cung cấp điện trong thời gian tới, Bộ Công thương và EVN đã đưa ra 5 giải pháp chính nhằm đảm bảo cung cấp điện:
Thứ nhất, thực hiện rà soát các dự án điện đang xây dựng và đưa vào vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025, đưa ra các giải pháp nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng và vận hành các công trình nguồn và lưới điện.
Bộ Công thương dự kiến tổng công suất nguồn mới bổ sung năm 2022 đạt 3164 MW, bao gồm 1930 MW nhiệt điện, 1244 MW thủy điện, trong đó 1132 MW thủy điện nhỏ. Bộ cũng đang chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam tập trung toàn lực, thúc đẩy dự án nhiệt điện Thái Bình 2 (1200 MW) phấn đấu hòa lưới điện tổ máy số 1 vào tháng 5 năm 2022.
Thứ hai, rà soát các dự án có khả năng đẩy sớm tiến độ xây dựng và đưa vào vận hành để bổ sung khả năng cấp điện sớm trong giai đoạn từ nay đến năm 2025.
Theo đó, Bộ Công thương sẽ giao đơn vị chuyên môn rà soát các công trình nguồn và lưới điện đã có trong quy hoạch, kế hoạch, có giải pháp để đẩy sớm tiến độ thực hiện. Đồng thời chỉ đạo EVN nghiên cứu thêm các giải pháp nhằm vận hành an toàn hệ thống điện, nhất là trong điều kiện tỷ lệ nguồn điện năng lượng tái tạo ở mức cao. Trước mắt sẽ rà soát trước các công trình thuộc khu vực miền Bắc để chống thiếu nguồn.
Thứ ba, khẩn trương triển khai xây dựng các đường dây, trạm biến áp giải tỏa công suất các dự án hiện hữu, nhất là các công trình năng lượng tái tạo.
Cụ thể, Bộ Công thương sẽ tổ chức rà soát, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ tất cả các công trình lưới điện đảm bảo việc giải tỏa công suất các nguồn điện đã xây dựng, trong đó có các nguồn điện từ năng lượng tái tạo. Mục tiêu yêu cầu không để các nguồn điện đã xây dựng bị hạn chế công suất do quá tải. Trong khi chờ Luật Điện lực sửa đổi quy định về độc quyền truyền tải, cần tăng cường thu hút đầu tư của các chủ đầu tư nhà máy điện vào các công trình đấu nối.
Thứ tư, chỉ đạo EVN đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các Hợp đồng nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
Thứ năm, EVN phải triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn vận hành, bao gồm việc chỉ đạo các chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo công tác quản lý, bảo dưỡng các tổ máy phát điện vận hành an toàn, ổn định. Chỉ đạo EVN vận hành an toàn hệ thống lưới điện, đặc biệt là hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam và hệ thống truyền tải điện...
Đồng thời, xây dựng và đề xuất cơ chế cho chương trình điều chỉnh phụ tải điện, bố trí lịch sửa chữa nguồn điện phù hợp, sử dụng tiết kiệm nguồn nước thủy điện, nâng cao khả dụng các nguồn điện nhất là vào cao điểm mùa khô ở miền Bắc…
Dựa trên các nguyên tắc và giải pháp nêu trên, Bộ Công thương sẽ tập trung chỉ đạo ngành điện thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và sinh hoạt của nhân dân, phấn đấu không để thiếu điện trong bất cứ tình huống nào.