Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang trong thời gian tới là việc phải làm. Thực tế, từ cuối 2017, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức nhiều hội thảo ở cả ba miền để ghi nhận các ý kiến khác nhau liên quan đến việc điều chỉnh giá điện bậc thang sau khi hóa đơn tiền điện của người dân ở các thành phố lớn tăng vọt sau khi điều chỉnh giá điện.
Theo các chuyên gia, sửa biểu giá điện bậc thang vẫn phải chú ý đến tác động với người nghèo và người dùng điện nhiều vẫn sẽ phải trả nhiều tiền điện
Cũng như các nước khác trên thế giới, việc xây dựng biểu giá điện bậc thang ở Việt Nam cũng được Bộ Công Thương xây dựng theo hướng càng dùng nhiều điện càng trả tiền nhiều. Việc này thể hiện chính sách kinh tế của Chính phủ, nhằm hướng người dân đến việc sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên (than, khí,…) và phù hợp với bối cảnh đất nước đang đối diện tình trạng thiếu điện.
Nguyên tắc xây dựng biểu giá điện bậc thang, theo Bộ Công Thương, việc duy trì biểu giá điện với bậc thang đầu tiên có mức giá thấp là nhằm bảo vệ, hỗ trợ những người có thu nhập thấp, giúp họ có thể tiếp cận điện năng và sử dụng điện.
Về ý kiến cho rằng biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc thang với cách tính càng dùng nhiều càng phải trả giá cao và là nguyên nhân khiến khách hàng phải chi trả nhiều tiền điện, trả lời báo chí, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cũng cho hay, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, Bộ Công Thương đã nhiều lần sửa đổi và đưa ra tổng cộng 5 dự thảo các phương án giá bán lẻ điện và lấy ý kiến của nhiều hộ tiêu thụ điện ở cả ba miền.
Sau khi được hội thảo, được chuyên gia, các đơn vị đóng góp ý kiến, rốt cuộc biểu giá bán lẻ điện bậc tháng gồm 6 bậc như hiện hành được lựa chọn. Theo đó, biểu giá điện bậc thang áp dụng cách tính càng sử dụng nhiều điện càng phải trả giá cao.
Thực tế, từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương đã 2 lần chính thức đưa ra lấy ý kiến đóng góp về sửa đổi biểu giá điện bậc thang. Như tại thời điểm đưa ra dự thảo lần thứ 4 hồi năm 2018 để lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị chức năng vừa sửa đổi biểu giá điện bậc thang, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng nhiều kịch bản về rút ngắn các bậc của giá điện.
Theo kịch bản 1 là rút từ 6 bậc còn 3 bậc, trong đó bậc thấp nhất giữ nguyên là từ 50 kWh đầu tiên (áp mức giá điện 1.484 đồng/kWh). Bậc 2 là từ 51 kWh đến 300 kWh với mức giá 1.768 đồng/số. Bậc 3 là từ 301 kWh trở lên chịu mức giá 2.559 đồng/kWh.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, ưu điểm phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu. Nhược điểm là có tới 14 triệu hộ trong diện sử dụng từ 51-100 kWh/tháng và hộ dùng 101-200 kWh/tháng sẽ phải trả tăng thêm khoảng từ 10.000-12.000 đồng/tháng.
Kịch bản 2 là giảm từ 6 bậc còn 4 bậc. Trong đó, bậc thấp nhất vẫn là 50 kWh đầu tiên có giá 1.484 đồng. Bậc 2 từ 51-200 kWh có mức giá 1.668 đồng. Bậc 3 là từ 201-400 kWh với giá 2.327 đồng. Bậc 4 là từ 401 kWh trở lên chịu giá 2.587 đồng.
Kịch bản 2 có nhiều thay đổi hướng với việc tăng mức hỗ trợ giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp khi bậc thấp nhất là cho 100 kWh đầu tiên (tăng thêm 50 kWh như hiện nay). Mức giá cho 100 kWh đầu tiên sẽ tính ở mức 1.506 đồng/ kWh. Mức giá điện cao nhất sẽ được áp với hộ sử dụng từ 401 kWh/tháng trở lên với giá 2.587 đồng/kWh.
Với phương án này, sau khi tham khảo ý kiến của các đơn vị và chuyên gia, Bộ Công Thương cho hay, ngân sách sẽ phải tăng thêm khoảng 258 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hộ nghèo và hộ chính sách trên cả nước khi áp dụng.
Trả lời Tiền Phong, về việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang, theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho rằng, cần chú ý đến cả yếu tố tác động đến người người nghèo, hiện đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sử dụng điện. Hiện người nghèo chỉ được hỗ trợ tiền điện cho 30kWh ở bậc thang đầu tiên. Nếu giờ tăng giá điện bậc thang để rút biểu giá, ngoài việc người nghèo sẽ phải trả thêm tiền, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm một số tiền không nhỏ tương ứng.
Về việc thay đổi biểu giá điện bậc thang thế nào, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, trong các năm tới Việt Nam vẫn sẽ phải dùng giá điện bậc thang để hướng tới việc các hộ tiêu thụ điện buộc phải tiết kiệm. Theo ông Ngãi, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới dùng giá điện bậc thang. Mức biểu giá luỹ tiến đang được hầu hết các nước áp dụng do điện là loại hàng hoá đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ không cùng thời điểm, không thể dự trữ nên cần sử dụng tiết kiệm.
“Sau 5 năm áp dụng biểu giá điện bậc thang, đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ. Đến nay, đời sống xã hội đã tốt hơn và số hộ dùng dưới 50 kWh/tháng đã ít hơn nên việc điều chỉnh giá điện bậc thang cũng là phù hợp”, ông Ngãi nói.
Ông Ngãi cũng cho rằng, việc rút gọn số bậc hay tăng thêm và chia nhỏ số bậc theo sát từng nhu cầu người dùng điện cần phải được tính toán kỹ lưỡng và vẫn phải đảm bảo nguyên tắc càng dùng nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền cho các bậc thang cao.
Theo Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long, cũng phải thừa nhận các bước chênh lệch giá trong biểu giá điện hiện nay chưa hợp lý, cần có sự sửa đổi. Cụ thể, với biểu giá hiện nay, người dùng ở 2 bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp trong khi những người dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn. Nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh/tháng đang trả tiền ở mức cao nhất.
Vấn đề duy nhất là khoảng cách giữa các bậc giá hiện nay không nhiều, đặc biệt ở hai bậc đầu tiên. Còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. “Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 là 522 đồng, trong khi bậc 6 cao nhất chỉ chênh với bậc liền kề trước đó 93 đồng/kWh. Mức phân bổ chênh lệch giữa các bước giá cần cách xa hơn”, ông Long nêu ý kiến.