Chiều ngày 13/9/2019, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc sụt giảm, hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu là do tiêu thụ nội địa giảm, Trung Quốc đẩy mạnh chính sách tự cung tự cấp, đồng thời, đẩy mạnh chính sách kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, ông Hải cho hay, nguyên nhân căn cơ mà Việt Nam mãi chưa sửa được là nông sản chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn. Một số địa phương và doanh nghiệp chưa nhận thức được, vẫn giữ phương thức kinh doanh manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến tình trạng ùn ứ, ảnh hưởng đến chất lượng và bị ép giá.
Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, từ đầu năm 2019 đến nay, việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu sang với yêu cầu về kiểm nghiệm, kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, phải có mã số doanh nghiệp… dẫn đến hàng hóa nông lâm thủy sản có thời điểm bị ứ đọng cục bộ.
"Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các hộ kinh doanh, doanh nghiệp có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là thị trường dễ tính, hàng hóa từ nội địa ra cửa khẩu biên giới là có thể xuất khẩu ngay được.
Một số sản phẩm chưa đảm bảo các điều kiện chất lượng, hàm lượng một số chất vượt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí có cả chất cấm. Khi thông quan, phía hải quan Trung Quốc kiểm dịch lại và trả lại hàng dẫn đến thiệt hại và nguy cơ doanh nghiệp đó sẽ bị đưa vào danh sách đen. Ngoài ra, còn có hiện tượng giả mạo nơi cấp chứng thư với một số hàng hóa nhập khẩu.", lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho biết.
Về giải pháp, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp cần bỏ tâm lý coi thị trường Trung Quốc dễ tính.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nên sản xuất theo quy hoạch căn cứ nhu cầu , dung lượng thị trường mùa vụ, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng kênh tiêu thụ, phân phối hàng hóa, nắm chắc và tuân thủ quy định, tiêu chuẩn nhập khẩu tại Trung Quốc.
Đồng thời giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã... của sản phẩm.