Uber giờ đã về một nhà với Grab. Ảnh: Nguyên Đức |
Theo công văn hỏa tốc gửi Grab ngày 27/3 do Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn ký, căn cứ chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Cạnh tranh, trong đó có nhiệm vụ kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng có nhiệm vụ kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế diễn ra trên thị trường.
Thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng cho thấy, ngày 26/3/2018, Grab chính thức thông báo hoàn tất giao dịch mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường Việt Nam.
Để có căn cứ xem xét, đánh giá việc mua lại theo quy định của pháp luật cạnh tranh, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị Grab phối hợp cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến việc mua lại nêu trên và hợp đồng mua lại Uber tại Đông Nam Á.
"Tài liệu cung cấp phải được gửi đến Cục trước ngày 3/4/2018", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng nêu rõ.
Trong thực tế, theo quy định việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á thì doanh nghiệp này phải gửi thông báo đến cơ quan quản lý cạnh tranh về vụ mua bán, để cơ quan chức năng xem xét về ảnh hưởng mức độ cạnh tranh trước và sau khi mua bán.
Nếu không ảnh hưởng đến cạnh tranh hoặc ảnh hưởng không đáng kể, hoặc ảnh hưởng đáng kể nhưng rơi vào một số trường hợp miễn trừ, thì thương vụ mới được phép tiến hành.
Trước đó như đã đưa, sáng ngày 26/3, Grab Việt Nam đã phát đi thông cáo cho hay đã chính thức thâu tóm Uber ở khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, Uber sẽ sáp nhập vào Grab tại khu vực Đông Nam Á và Uber sẽ giữ 27,5% cổ phần trong Grab, tương ứng với thị phần của mỗi công ty. Đồng thời với thoả thuận này, CEO của Uber, ông Dara Khosrowshahi, sẽ tham gia vào Ban lãnh đạo của Grab.
Với việc sáp nhập này Grab cũng sẽ tiếp nhận Uber Eats để ngay lập tức trở thành một công ty lớn trong lĩnh vực dịch vụ giao nhận thức ăn.