Bộ Công Thương có thực hiện "nghiêm túc" chỉ thị của Thủ tướng?
Ngày 16/4/2020, Bộ Tài chính ra văn bản số 4676/BTC-TCHQ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý tài chính đối với mặt hàng gạo. Sau đó, đến ngày 17/4, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cũng đã gửi Thông cáo báo chí tới các cơ quan truyền thông về vấn đề này.
Tại các văn bản trên, Bộ Tài chính cho rằng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ Công Thương chỉ thực hiện một cuộc họp trong nửa ngày nên chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo và như vậy là "chưa nghiêm túc".
Nói về vấn đề trên, đại diện Bộ Công Thương cho hay, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tạm dừng xuất khẩu gạo, chiều 24/3, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trực tiếp báo cáo, sau đó có văn bản.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép rà soát, đánh giá lại nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo nhằm điều chỉnh hoạt động xuất khẩu cho phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid - 19 và hạn hán, xâm nhập mặn.
Đến ngày 25/3, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành. Qua đó, thực hiện kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và việc dự trữ lưu thông nhằm quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo.
Theo Bộ Công Thương phân tích, với thời hạn 3 ngày kể từ ngày 25/3 và điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc tổ chức làm việc với từng tỉnh, từng doanh nghiệp để nắm tình hình là không khả thi.
Do đó, Bộ Công Thương đã mời các Bộ, ngành có liên quan, đại diện UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND các tỉnh, 20 thương nhân có kim ngạch xuất khẩu lớn,…. làm việc vào ngày 26/3.
Kết quả kiểm tra cho thấy, số liệu về cơ bản khớp với các đánh giá trước đó của Bộ Công Thương, Bộ NNN&PTNT về sản xuất và xuất khẩu gạo, kể cả các dự báo tới cuối tháng 5/2020. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương có văn bản số 2237/BCT-XNK báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, đánh giá và kiến nghị phương án điều hành xuất khẩu gạo.
"Quan trọng nhất, tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra và trong các góp ý sau đó, không có tỉnh, thành phố, doanh nghiệp hay Bộ, ngành nào, kể cả Bộ Tài chính, cho rằng việc chỉ tổ chức một cuộc họp 1/2 ngày là "chưa nghiêm túc" và "chưa thể đánh giá được tổng thể nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo" như Bộ Tài chính sau này nhận xét", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
"Không thể tiếp thu ý kiến" của Bộ Tài chính
Ngoài việc phản ánh Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc "chưa nghiêm túc", Bộ Tài chính cho biết đã 2 lần góp ý với Bộ Công Thương về điều hành xuất khẩu gạo nhưng không được cơ quan này tiếp thu.
Cụ thể, theo công văn số 3905/BTC-QLG góp ý cho báo cáo chính thức số 2412/BCT-XNK ngày 06/4/2020 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính nêu quan điểm chỉ cho phép xuất khẩu gạo nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu tiếp tục tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết ngày 15/6/2020 để "bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia". Sau đó, sẽ tiếp tục điều hành xuất khẩu "linh hoạt, chặt chẽ, phù hợp thực tế".
Nói về lý do không thể tiếp thu ý kiến này của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho hay, việc cấm xuất khẩu gạo để buộc người dân, doanh nghiệp phải bán gạo cho dự trữ quốc gia là việc không nên làm. Đặc biệt, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp đang phải chịu rất nhiều tác động tiêu cực do dịch bệnh gây ra.
"Cách giải quyết phù hợp nhất, được người dân và doanh nghiệp đồng tình ủng hộ là tiếp tục cho xuất khẩu gạo, bao gồm cả gạo tẻ, nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ, minh bạch về số lượng để bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch bệnh, hạn hán và xâm nhập mặn. Đề xuất dừng xuất khẩu trên cơ sở phân biệt gạo tẻ và các loại gạo khác có thể sẽ dẫn đến rủi ro về đạo đức và là mảnh đất màu mỡ cho lợi ích nhóm và tham nhũng phát triển bởi bằng mắt thường, rất khó phân biệt giữa gạo tẻ (loại cấm xuất khẩu) và gạo thơm (loại được phép xuất khẩu).
Xuất phát từ đây, để giảm thiểu rủi ro, cơ quan Hải quan sẽ buộc phải kiểm tra và trưng cầu giám định chủng loại gạo cho từng lô gạo xuất khẩu. Chi phí tăng thêm về thời gian và tiền bạc là rất lớn và bất hợp lý trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp đã đồng tình hạn chế xuất khẩu gạo để chung tay cùng Chính phủ bảo đảm an ninh lương thực", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công Thương không tiếp thu ý kiến phản ánh phương thức điều hành "đăng ký tờ khai trước được xuất trước" (FCFS) là bất cập và đề nghị thay thế bằng đấu thầu hạn ngạch hay phân bổ hạn ngạch.
Nói về vấn đề trên đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong cả 2 lần góp ý cho báo cáo của Đoàn kiểm tra và Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều không có ý kiến về các "bất cập" của phương thức FCFS trong điều hành hạn ngạch.
"Ý kiến này của Bộ Tài chính xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 10/4/2020 tại văn bản số 4355/BTC-QLG, khi mà phương thức FCFS đã được đề xuất công khai trước đó 13 ngày và Thủ tướng Chính phủ, sau khi cân nhắc tất cả các ý kiến tham gia, đã có văn bản chỉ đạo về phương thức điều hành xuất khẩu gạo", đại diện Bộ Công Thương thông tin.
Theo đó, Bộ Công Thương khẳng định phương thức FCFS, chỉ cần bổ sung thêm một số giải pháp kỹ thuật đơn giản như: Bắt buộc phải khai báo đồng thời tên tàu và số hiệu container trên tờ khai online và không cho phép sửa đổi các thông tin này, sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng khai giữ chỗ.
"Các doanh nghiệp đã có hàng tại cảng chắc chắn sẽ ở vị thế ưu tiên số 1 bởi họ đều đã rõ tên tàu và số hiệu container và chỉ có họ mới có thể hiện thực hóa tờ khai mà không cần phải thay đổi các thông tin này", Bộ Công Thương thông tin thêm.