Sau nhiều ngày neo dưới sông chờ đợi, một sà lan gạo đã được cập cảng Mỹ Thới (tỉnh An Giang) để chuyển gạo lên đóng container chờ xuất khẩu. Ảnh: Chí Quốc
Sáng nay (21/4), ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 2280/VPCP-NN ngày 25/3/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với các địa phương và doanh nghiệp XK gạo chủ chốt vào ngày 26/3 tại TP.HCM để rà soát, kiểm tra, đánh giá nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo, thực hiện dự trữ lưu thông và tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo.
"Về câu hỏi có thực sự xảy ra nguy cơ mất an ninh lương thực trong báo cáo ngày 23/3 hay không? (từ báo cáo này, phía Hải quan đã cho mở tờ khai XK gạo lúc 0 giờ ngày 24/3 - PV), tôi xin khẳng định là có nguy cơ đó", ông Khánh nói.
Theo ông Khánh, tính đến hết tháng 2 tổng lượng gạo XK đạt khoảng 930.000 tấn, sau đó thêm 15 ngày đầu của tháng 3 thì chúng ta XK tổng 1,3 triệu tấn gạo, nghĩa là chỉ trong 15 ngày đầu tháng 3, chúng ta XK thêm 370.000 tấn. Trung bình mỗi ngày XK 25.000 tấn.
Nếu tiếp tục duy trì tốc độ đó, và khả năng này là rất cao vì nhiều nước đang tăng cường dự trữ chiến lược trong bối cảnh dịch Covid-19 và họ tìm đến Việt Nam mua gạo dự trữ, lượng gạo sẽ bị hút ra rất nhiều.
Trên cơ sở đã XK 1,3 triệu tấn cho tới hết tháng 3, và nếu đến cuối tháng 5 với tốc độ này, ước tính tổng cộng chúng ta sẽ XK khoảng 3,1 – 3,2 triệu tấn.
Trong khi theo báo cáo của Bộ NNPTNT, mặc dù vụ đông xuân được mùa nhưng tổng lượng gạo có thể dành cho XK vụ này cũng chỉ khoảng 3 triệu tấn, cộng thêm sản lượng gạo gối đầu từ năm 2019 chuyển qua, thì chúng ta có khoảng 3,2 triệu tấn phục vụ XK.
Với sản lượng này, nếu chúng ta cho phép XK gạo tự do như trước đây (trước tháng 3), thì chỉ khoảng cuối tháng 5 chúng ta sẽ đứng trước nguy cơ thiếu gạo. Các nước XK sẽ ăn tiếp vào lượng gạo đáng lẽ ra dùng cho tiêu dùng trong nước và dự trữ.
Câu hỏi thứ 2, là tại sao lại đặt ra con số 400.000 tấn hạn ngạch xuất khẩu trong tháng 4, và có thể là 400.000 tấn trong tháng 5 mà không phải 500.000 tấn hay một con số khác?
Ông Trần Quốc Khánh cho biết cách tính bài toán này như sau: Đến hết 15/3, chúng ta xuất khẩu 1,5 triệu tấn nếu giữ nguyên tốc độ đó thì đến hết tháng 3 sẽ XK khoảng 1,8 triệu tấn. Như vậy là tổng lượng gạo XK khoảng 3,2 triệu tấn.
Trong số này, mặc dù Bộ NNPTNT khi tính lượng gạo được phép XK đã tính lượng gạo mua vào dự trữ quốc gia, nhưng trong thời điểm đó, dự trữ quốc gia vẫn chưa mua đủ 200.000 tấn gạo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cho nên chúng tôi đề xuất trong số gạo XK sẽ để ra 300.000 tấn nhằm phục vụ dự trữ quốc gia.
Đồng thời chúng tôi cũng kiến nghị chuẩn bị thêm 400.000 tấn nữa để đảm bảo phục vụ tiêu dùng cho các hộ gia đình trong mọi tình huống có thể xảy ra. Con số này xuất phát từ chỗ chúng tôi dự kiến mỗi người dân dự phòng thêm 7,2kg gạo ăn; 1 hộ gia đình 4 người sẽ dự trữ thêm khoảng 30kg gạo. Nhân lên với 98 triệu dân thì chúng ta có con số dự trữ xấp xỉ 700.000 tấn nữa.
Như vậy, lượng gạo được phép XK trong tháng 4 và 5 sẽ vào khoảng 800.000 tấn. Lượng gạo được phép XK này giảm khoảng 40% so với tháng 4 và tháng 5 năm 2019.
Căn cứ vào những con số trên, Bộ Công Thương đã đề xuất trước mắt trong tháng 4 cho phép XK 400.000 tấn gạo.
Cũng theo ông Khánh, nếu tiếp tục giữ tốc độ XK bình quân 25.000 tấn/ngày thì XK gạo quý II/2020 có thể tăng lên hơn 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm (trước khi vụ hè thu cho thu hoạch rộ) có thể sẽ XK 3,7 triệu tấn, lớn hơn nhiều so với lượng gạo hàng hoá có thể dành cho XK.
"Kết hợp 2 yếu tố quan trọng và cũng rất khó xác định là diễn biến dịch bệnh và tâm lý người dân, khả năng thiếu gạo cho tiêu dùng là có thể xảy ra, nhất là khi việc mua thóc, gạo cho dự trữ quốc gia đang không thuận lợi", Bộ Công Thương cho hay.
Dự báo nhu cầu mua gạo của Việt Nam tăng mạnh Theo Bộ Công Thương, công tác điều hành XK gạo trong 2 tháng đầu năm đã bám sát mục tiêu tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân, đảm bảo lợi ích cho người trồng lúa. Hoạt động XK gạo trong những tháng đầu năm cho thấy nhu cầu lương thực, thực phẩm thế giới đang tăng mạnh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Giá gạo thế giới liên tục tăng dù Ấn Độ và Việt Nam (2 quốc gia sản xuất, XK gạo lớn) được mùa. XK gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm tăng 31,7% về lượng là mức tăng khá cao so với mức tăng cùng kì trong 3 năm gần đây. Điều này đã làm cho giá gạo tại thị trường nội địa biến động, tăng 20 - 25% tuỳ chủng loại thóc, gạo. Sau khi Ấn Độ áp đặt lệnh phong toả để kiểm soát dịch Covid-19, dự báo nhu cầu gạo đối với Việt Nam sẽ tăng mạnh. Trước đó, tại cuộc điện đàm với Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 26/3, Bọ trưởng Tài chính Philippines cho biết Việt Nam là nhà cung cấp gạo rất quan trọng đối với Philippines. Trong bối cảnh nước này cũng đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, bất kì sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng lương thực cũng có thể làm thị trường rối loạn. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Philippines đã đề nghị Việt Nam ưu tiên Philippines trong cung cấp gạo. |