Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ quy định thương nhân phân phối không được quyền mua bán xăng dầu với nhau.
Bộ Công Thương cho biết, quy định hiện hành, công tác điều hành giá xăng dầu do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, cụ thể là Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính thực hiện điều hành giá xăng dầu.
Với cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua "quá nhiều bước", thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của thương nhân, thay vào đó trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện theo.
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo Bộ Công Thương.
Áp dụng giá thị trường đối với mọi loại hình năng lượng, xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ…) và chính sách an sinh xã hội phù hợp.
Liên quan tới quỹ bình ổn giá xăng dầu, dự thảo Nghị định quy định rõ trường hợp mặt bằng giá thị trường biến động bất thường, tác động lớn đến kinh tế-xã hội hoặc tình trạng khẩn cấp (thiên tai, dịch bệnh), Bộ Công Thương, Tài chính và các bên liên quan báo cáo Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá.
Dự thảo mới cũng giữ quan điểm tiếp tục cho đầu mối được phép thuê kho chứa nhưng phải đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện. Cơ quan quản lý cũng đưa ra giải pháp kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý vi phạm, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
Với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nhóm này chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau. Việc này nhằm tránh mua chéo, tạo trung gian trong khâu phân phối, thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung.
Còn thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu sẽ phải kết nối dữ liệu về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho xăng dầu, theo dự thảo. Họ cũng sẽ phải đáp ứng quy định về kinh nghiệm trong lĩnh vực này để được cấp phép. Chẳng hạn, thương nhân phân phối muốn nâng lên làm đầu mối phải hoạt động liên tục trong ít nhất 36 tháng.
Theo tính toán, tổng nguồn xăng dầu cho tiêu thụ nội địa của Việt Nam hiện nay khoảng 27 triệu m3, tấn xăng dầu các loại (số liệu năm 2023), trong đó các nhà máy lọc dầu trong nước đáp ứng được khoảng 70%.
Riêng 2 thương nhân đầu mối lớn là Petrolimex và Pvoil thực hiện được khoảng 59,3% tổng nguồn xăng dầu. Còn lại do 28 thương nhân đầu mối còn lại đảm nhiệm nhưng một số chỉ thực hiện dưới 100.000 m3,tấn một năm, khoảng 0,38% tổng nguồn.