Các quy định hiện hành đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang các nước đã chi tiết về quy tắc xuất xứ, đặt ra yêu cầu xác định tỷ lệ giá trị hàm lượng từ một quốc gia, khu vực của hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan và không yêu cầu bắt buộc về việc ghi nhãn hàng hóa.
Tuy nhiên, với hàng hóa tiêu thụ trong nước, hiện còn thiếu quy định chặt chẽ để "áp" các doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa “Sản xuất tại Việt Nam”, “Made in Vietnam”, "Hàng Việt Nam".
Còn nhiều cách hiểu khác nhau về hàng hóa "made in Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".
Theo đại diện Bộ Công Thương, các sản phẩm tiêu thụ nội địa ghi xuất xứ thế nào là vấn đề nội bộ của từng quốc gia, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) không điều chỉnh việc này. Với Việt Nam, việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
Nội dung cơ bản của Nghị định này là trên nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện nước xuất xứ. Các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ, dựa trên sự hiểu biết tốt nhất của họ, miễn là trung thực.
Tuy nhiên, chính sự cho phép doanh nghiệp "tự nguyện" ghi như vậy đã dẫn đến thực tế có doanh nghiệp ghi nhãn tùy tiện, nhằm đánh lừa người tiêu dùng như trường hợp Khaisilk trước đây hay nghi vấn Asanzo mới đây.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ đang xây dựng dự thảo, chuẩn bị lấy ý kiến người dân về một bộ quy định thế nào thì được coi là “Sản xuất tại Việt Nam” để áp dụng cho hàng hóa lưu thông trong nước.
Song, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, việc này cần tính toán kỹ lưỡng. "Bộ Công Thương sẽ làm hết sức thận trọng, lắng nghe ý kiến mọi tầng lớp nhân dân, đánh giá tác động nhiều chiều và sẽ chỉ trình cấp trên khi biện pháp này nhận được sự đồng tình cao của xã hội", ông Khánh cho hay.