Liên quan đến đề xuất cấm xe máy ở Hà Nội và Tp.HCM, tại buổi họp báo quý 1/2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, việc Chính phủ giao Hà Nội và Tp.HCM xây dựng đề án hạn chế phương tiện cá nhân là cần thiết.
Tuy nhiên, việc thực hiện cần xem xét tới việc tổ chức giao thông, lộ trình thực hiện, khả năng đáp ứng của vận tải công cộng, đảm bảo nguyên tắc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Hà Nội đang trong quá trình xây dựng đề án. Còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích trước khi đưa ra được phương án cuối cùng.
"Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải là phải có lộ trình rõ ràng, song song với việc tổ chức giao thông tốt, đảm bảo người dân đi lại thuận lợi", ông Đông nói.
Về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải - Bộ Giao thông Vận tải, cho rằng, việc hạn chế xe máy, thậm chí là cấm hoạt động đã triển khai ở một số đô thị trên thế giới. Đây được coi là một trong những giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
"Tuy nhiên, giải pháp này phải đi kèm việc đáp ứng khả năng của vận tải công cộng, kết nối tốt các loại hình vận tải trong đô thị, có không gian giao thông tĩnh để đi bộ, bãi đỗ xe để gửi xe cá nhân đi phương tiện công cộng", Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Bảo Ngọc khẳng định.
Lộ trình cấm xe máy được Hà Nội thông qua trong đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030". Theo đó, giai đoạn 2017 - 2030 sẽ từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đến năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây đã có nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trước tại một số khu vực đủ điều kiện hạ tầng như đường Lê Văn Lương hoặc đường Nguyễn Trãi sau khi đưa tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động tháng 4/2019.
Tuy nhiên, đề xuất này gặp phải nhiều ý kiến phản đối của cả người dân và chuyên gia giao thông. Giới chuyên gia cho rằng, giải pháp cấm xe máy ở thời điểm hiện tại là không khả thi, không phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho hàng triệu người.
Hiện tại giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu đi lại, còn đến 90% người dân sẽ di chuyển bằng gì là câu hỏi nan giải. Bên cạnh đó, đây là hai trục đường chính chạy ngoại thành vào thành phố Hà Nội, áp lực giao thông rất lớn. Nếu cấm xe máy hai tuyến đường này thì phải giải bài toán phân luồng các phương tiện này đi ra đường nào, người dân hai bên đường sinh hoạt ra sao trong khi tuyến đường này rất dài.