Bộ GTVT vừa có thêm văn bản gửi Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng (Hội đồng kiểm tra) với dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Hiện dự án này chưa thể đưa vào khai thác thương mại do chưa được Hội đồng kiểm tra thông qua, dù hồ sơ đã được Bộ GTVT gửi từ cuối tháng 4 vừa qua.
Trong văn bản mới nhất, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã được nghiệm thu hoàn thành theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt. Kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, vận hành thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo đúng thiết kế và các quy định liên quan.
Dù vậy, Bộ GTVT thừa nhận, dự án còn một số tồn tại nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình, đảm bảo đủ điều kiện khai thác an toàn. Các vấn đề này sẽ được khắc phục trong thời gian bảo hành công trình.
Về kết quả đánh giá an toàn hệ thống, chủ đầu tư cho hay, chiếu theo tiêu chuẩn Châu Âu (tiêu chuẩn tư vấn ACT đã áp dụng), chứng nhận an toàn được tính trên rủi ro theo vòng đời với 14 giai đoạn, từ khi thiết kế tới thi công, vận hành, kết thúc hoạt động. Quá trình đó, các tiêu chuẩn an toàn được xác định từ đầu làm căn cứ triển khai, xây dựng, khai thác và được cập nhật thường xuyên tới khi dừng khai thác và thành lý.
Với Trung Quốc, quy trình trên được thực hiện từ năm 2013, nhưng chỉ áp dụng với hệ thống tín hiệu (không áp dụng với phần xây dựng, đoàn tàu...). Một số nội dung được bổ sung tương tự tiêu chuẩn châu Âu, nhưng mới áp dụng từ tháng 10/2020 (thời điểm dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã thi công xong).
Bộ GTVT tiếp tục khẳng định, Tư vấn ACT đã đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Tư vấn này khẳng định dự án đủ điều kiện an toàn đưa vào vận hành khai thác.
Với các khuyến cáo của của ATC đưa ra (16 khuyến cáo), chủ đầu tư cho biết, một số nội dung đã được khắc phục, một số sẽ được hoàn thiện khi đưa vào vận hành thương mại. Các bổ sung và cam kết thực hiện của chủ đầu tư với các khuyến cáo này cũng là cơ sở để tư vấn cấp chứng nhận an toàn.
Do đó, Bộ GTVT khẳng định, kết quả đánh giá an toàn hệ thống của Tư vấn ACT được chủ đầu tư chấp thuận trên cơ sở tiêu chuẩn năm 2013 là phù hợp, tương đồng các dự án tại Trung Quốc thực hiện cùng thời điểm.
Ngoài ra, dự án được thiết kế năng lực khai thác tối 24 đoàn tàu cùng hoạt động, giãn cách 2,3 phút. Giai đoạn hiện nay thiết kế khai thác 13 đoàn tàu, với tối đa 10 đoàn vận hành cùng lúc cách nhau 6 phút. Thực tế khai thác mới chỉ 50% năng lực thiết kế.
Đáng chú ý, trong lần giải trình này, Bộ GTVT dẫn các khái nhiệm theo tiêu chuẩn và hợp đồng EPC để lý giải, việc khai thác thử toàn hệ thống không phải là hoạt động kiểm tra, thử nghiệm trong giai đoạn thực hiện dự án. Đây thực chất là hoạt động vận tải hành khách trong giai đoạn khai thác, do công ty vận hành khai thác thực hiện (Công ty Metro Hà Nội). Quá trình khai thác, Công ty Metro Hà Nội có thể tham khảo thêm các tiêu chuẩn mới cập nhật của Trung Quốc để hoàn thiện.
Bên cạnh đó, trong 1 năm đầu khai thác, khi còn bảo hành, các nhà thầu sẽ cập nhật dữ liệu khai thác theo mùa, lượng hành khách... để hoàn thiện biểu đồ chạy tàu, các bổ sung... để đánh giá và cấp chứng nhận.
Hiện dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vẫn chưa thể khai thác thương mại dù đã thi công xong, kết thúc chạy thử, do chưa được Hội đồng kiểm tra nhà nước phê duyệt, làm cơ sở để Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội khai thác.
Sau giải trình của Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội cũng vừa có văn bản gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước liên quan tới đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trong đó, Hà Nội khẳng định đã cam kết sẽ khắc phục một số số nội dung theo khuyến cáo của Tư vấn ACT trong quá trình khai thác, đảm bảo các điều kiện vận hành, khai thác. Hà Nội đề nghị Hội đồng kiểm tra nhà nước xem xét, quyết định.