Gửi báo cáo đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 của Bộ khoảng 43.401 tỷ đồng (42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài); đến nay, đã phân bổ chi tiết 42.683/42.996 tỷ đồng, đạt 99,27% kế hoạch.
Kế hoạch 2021 của Bộ còn lại 313 tỷ đồng dự kiến sẽ phân bổ cho một số dự án đang hoàn thiện thủ tục và một số dự án sau khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch trung hạn 2021-2025 (hoàn trả các khoản địa phương đã ứng thực hiện dự án).
Theo báo cáo, dự kiến những tháng còn lại cuối năm, Bộ GTVT sẽ tập trung phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xử lý dứt điểm các tồn tại, khó khăn của một số dự án trọng điểm để nghiệm thu hoàn thành, bàn giao đưa công trình vào khai thác.
Điển hình như dự án đường sắt đô thị TP.Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; các dự án đường bộ quan trọng, cấp bách; các dự án đường bộ cao tốc như: Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Cao Bồ - Mai Sơn; dự án cải tạo, nâng cấp đường CHC, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất giai đoạn 2…
Bộ cũng “hứa” sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xử lý các tồn tại của các dự án do Tổng công ty Đương cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư.
Qua rà soát, đánh giá tình hình triển khai, xử lý các khó khăn vướng mắc, ảnh hưởng của dịch COVID-19 (về GPMB, nguồn vật liệu, huy động nhân lực...) tới tiến độ triển khai từng dự án, Bộ GTVT dự kiến sẽ phấn đấu giải ngân được khoảng 95% kế hoạch năm 2021 (khoảng 41.231/43.401 tỷ đồng).
Song, đáng chú ý là trong đó khả năng phải xin điều chỉnh giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2021 khoảng 590 tỷ đồng, kéo dài thực hiện kế hoạch vốn trong nước năm 2021 khoảng 1.580 tỷ đồng sang năm 2022.
Vẫn theo báo cáo trên, hiện nay, Bộ GTVT đang triển khai 61 công trình, dự án. Trong đó có 21 dự án trọng điểm ngành GTVT triển khai, gồm 04 dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư; 13 dự án đang triển khai thực hiện; 03 dự án đang hoàn tất thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng; 01 dự án đang tạm dừng triển khai, chờ kết quả rà soát quy hoạch.
Trong 8 tháng đầu năm, đã hoàn thành đưa vào khai thác 07 công trình, dự án; hoàn tất công tác chuẩn bị và khởi công 08 công trình, dự án (có 05 công trình, dự án trọng điểm). Bộ cũng đã phê duyệt quyết toán được 16/21 dự án, hạng mục công trình, giá trị 6.152 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch của 6 tháng đầu năm 2021.
Xây dựng kế hoạch năm 2022 theo hướng dịch bệnh được khống chế, Bộ GTVT xác định tiếp tục đề xuất các chính sách tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải phù hợp với tình hình thực tế, thúc đẩy vận chuyển hàng hóa thông suốt trong nước và quốc tế. Dự kiến luân chuyển hàng hóa tăng 5% đến 7%; luân chuyển hành khách tăng đến 5%; hàng thông qua cảng biển tăng đến 10% so với năm 2021 (trong điều kiện tình hình dịch bệnh đã được khống chế).
Kế hoạch năm sau cũng ưu tiên bố trí vốn, chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh tiến độ thi công dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các dự án quan trọng, động lực (cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách; giai đoạn 2: Kênh Chợ Gạo, Luồng sông Hậu, kết nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với cao tốc Giẽ - Ninh Bình...) tạo cơ sở sớm hoàn thành, đưa vào khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, lưu thông hàng hóa.
Cùng đó, bố trí đủ vốn để hoàn thành dứt điểm 25 dự án giao thông trong năm 2022 (2 dự án khẩn cấp chuyên ngành hàng không, 02 dự án cấp bách chuyên ngành đường sắt, 21 dự án quốc lộ).
Đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục phê duyệt các dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn 2021-2025 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Đẩy mạnh triển khai thủ tục thiết kế, dự toán, đấu thầu để phấn đấu sớm khởi công được các dự án quy mô nhỏ, không phức tạp ngay trong năm 2022; rút ngắn thời gian thực hiện dự án để vừa sớm phát huy hiệu quả đầu tư, vừa giảm sức ép về cân đối nguồn vốn cho kế hoạch các năm cuối kỳ trung hạn khi triển khai đồng loạt nhiều dự án đường bộ cao tốc lớn, báo cáo của Bộ nêu.