Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình Chính phủ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Tờ trình nêu rõ, trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của địa phương, lưu lượng xe và thực tế phát triển của đất nước, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng cần thiết phải nghiên cứu bổ sung một số tuyến cao tốc.
Cụ thể: Đối với hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc: Bổ sung tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên, đoạn cao tốc Chợ Mới - Thành phố Bắc Kạn, tuyến cao tốc nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Bổ sung tuyến cao tốc từ Ngọc Hồi (Kon Tum) tới cửa khẩu Bờ Y (Kon Tum).
Hệ thống đường cao tốc khu vực miền Nam: Bổ sung tuyến cao tốc từ Gò Dầu (Tây Ninh) tới cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh), tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh, kéo dài tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng tới cảng Trần Đề.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị điều chỉnh tiến độ đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc từ sau năm 2030 về trước năm 2030 do hiện nay đã có nhà đầu tư quan tâm, các địa phương đang huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư như: tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng, tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, Tuyến Hà Tiên - Rạch Giá – Bạc Liêu, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, tuyến Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326/2016. Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương đang triển khai đầu tư các tuyến cao tốc theo quy hoạch này.
Tuy nhiên, trong thời gian triển khai quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, để đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển đất nước, phát triển ngành sẽ xuất hiện các yếu tố dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 làm cơ sở để triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, hệ thống đường cao tốc có tác dụng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước, góp phần khai thác lãnh thổ quốc gia một cách đồng đều, giảm chênh lệch giữa các vùng, tạo ra thị trường thống nhất nhờ tăng năng suất vận chuyển hàng hóa, hình thành các hành lang phát triển kinh tế.
"Trong quá trình nghiên cứu dự án đầu tư các tuyến cao tốc nêu trên, tùy theo nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực sẽ xem xét quyết định phương án phân kỳ đầu tư và thời điểm đầu tư theo dự án cụ thể để đảm bảo hiệu quả kinh tế", Bộ Giao thông nhấn mạnh.