Trong cuộc họp với Cục Hàng không Việt Nam gần đây, Vietnam Airlines đã đề xuất giá trần tăng và áp sàn vé máy bay. Với giá sàn vé máy bay, Vietnam Airlines đề xuất tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng cho các chặng bay từ 500 km đến 1.280 km trở lên, giá vé trần sẽ được giữ nguyên với các đường bay phát triển kinh tế xã hội, nhóm đường bay khác dưới 500km. Sẽ không có vé 0 đồng vì hãng cũng cho rằng chưa từng bán vé 0 đồng ra thị trường.
Trao đổi với VnEconomy, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ vẫn chưa nhận được đề xuất về điều chỉnh khung giá từ Vietnam Airlines. Vietnam Airlines cũng chưa có văn bản đề xuất chính thức mà chỉ thông tin trong cuộc họp gần đây với Cục Hàng không do đó chưa thể trả lời về vấn đề này.
“Vietnam Airlines là doanh nghiệp đầu đàn, họ yếu quá, hết sức khó khăn, đứng bên bờ vực thẳm do tác động của đại dịch Covid 19. Mới đây Chính phủ đã duyệt tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho khoản vay của Vietnam Airlines, doanh nghiệp khó khăn nhà nước có trách nhiệm. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là nếu có xem xét thì phải theo hướng đảm bảo quyền lợi của người dân, việc điều chỉnh phải đảm bảo đúng theo cơ chế thị trường”, vị này nhấn mạnh.
Ở thời điểm hiện tại, đề xuất của Vietnam Airlines không quá khó hiểu khi mà hãng này đang kinh doanh chật vật, lỗ 11.178 tỷ đồng trong năm 2020 do chịu tác động Covid 19. Tại nhiều cuộc họp ngành hàng không trước đó, Vietnam Airlines cũng kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải xây dựng cơ chế kiểm soát tải cung ứng phù hợp với mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, không giảm giá quá thấp dưới giá thành để cạnh tranh gây thiệt hại lẫn nhau.
Khi có cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì giá vé do thị trường quyết định, các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới đều có vé giá rất thấp hoặc 0 đồng để khuyến mãi, cho nên nhà nước không can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần.
Tuy nhiên, bình luận về việc này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống, một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không, cho rằng khi có cạnh tranh giữa các hãng hàng không thì giá vé do thị trường quyết định, các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới đều có vé giá rất thấp hoặc 0 đồng để khuyến mãi, cho nên nhà nước không can thiệp vào thị trường bằng quy định giá sàn hay giá trần. Cục Hàng không cần bỏ quy định về giá trần đi và không nên quy định giá sàn.
Vietnam Airlines đề xuất Cục Hàng không áp dụng giá đó cho các hãng máy bay khác nữa điều này sẽ làm suy yếu sức cạnh tranh của các hãng hàng không Việt Nam. Nếu áp dụng giá sàn thì khách bay trong nước sẽ không được hưởng các chuyến bay khuyến mãi có vé 0 đồng hoặc vài chục ngàn đồng mà các hãng đang áp dụng rộng rãi để kích cầu cho ngành hàng không, cải thiện dòng tiền cho mình và đồng thời giúp kích cầu cho ngành du lịch.
Trong khi Vietnam Airlines tung ra các máy bay thân rộng cỡ lớn nhất để bay ‘tuyến vàng’ HN – Tp.HCM mà áp giá sàn thì nhiều khách sẽ chuyển sang bay hãng này. Như vậy, Vietnam Airlines sẽ chiếm lĩnh thị trường, đẩy các hãng đối thủ vào tình cảnh thất thế, đứng trước nguy cơ phá sản sau thiệt hại nghiêm trọng do đại dịch Covid-19. Hậu quả là ngành hàng không sẽ quay lại thời Vietnam Airlines độc quyền một mình một chợ.
“Cách tốt nhất với Vietnam Airlines bây giờ là hãng này phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để cải tổ lại hãng Hàng không Quốc gia, để từ đó tiếp tục cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với các hãng hàng không tư nhân”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.
Đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines muốn áp trần, sàn giá vé máy bay. Hồi tháng 3/2017, hãng này từng đề xuất Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải phương án áp giá sàn cho 1 vé máy bay hạng phổ thông nội địa là 1,54 triệu đồng, giá trần là 4,2 triệu đồng. Đề xuất này sau đó không được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận.