Theo báo cáo của Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), năm 2018, Bộ GTVT được giao kế hoạch giải ngân 26.332 tỷ đồng (đã bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch 2016 kéo dài sang 2017 và vốn trái phiếu Chính phủ năm 2017 kéo dài sang 2018).
Tính đến hết tháng 9/2018, Bộ GTVT giải ngân được 13.739 tỷ đồng, đạt 52,2% tổng kế hoạch giải ngân (đã bao gồm cả kế hoạch giải ngân năm 2016 kéo dài).
Trong đó, kế hoạch năm 2018, Bộ GTVT giải ngân được 12.843/22.700 tỷ đồng, đạt 56,6% kế hoạch giao. Kế hoạch 2017 kéo dài giải ngân được 895/2.718 tỷ đồng, đạt 32,9%. Kế hoạch 2016 kéo dài là 914 tỷ đồng, hiện đang làm kế hoạch phân khai, chưa giải ngân.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá, kết quả giải ngân của Bộ GTVT từ đầu năm đến nay cao hơn mặt bằng chung của cả nước, nhưng so với kế hoạch đề ra thì rất chậm và còn hạn chế rất nhiều so với kết quả của nhiều năm trước.
“Chính phủ và Bộ GTVT không ép các đơn vị, kế hoạch vốn đều do các ban tự tính toán, đề xuất theo nhu cầu của các dự án. Hơn nữa, thời tiết năm nay không quá bất thường, công trình cũng không có những hạng mục đặc biệt. Nhưng kết quả giải ngân đến thời điểm này rất chậm cho thấy sự chỉ đạo của các Ban Quản lý dự án (QLDA) kém hiệu quả, thiếu tính chủ động, còn tư tưởng trông chờ, thiếu quyết liệt. Tình hình này không thể kéo dài, đặc biệt là năm 2019, chúng ta bắt đầu thực hiện những công trình trọng điểm quốc gia”, Bộ trưởng nói.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu, từ nay đến cuối năm sẽ tổ chức họp giao ban về xây dựng cơ bản và giải ngân 2 tuần/lần do lãnh Bộ trực tiếp chủ trì để quán triệt, triển khai các biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
“Trước kỳ họp kiểm điểm công tác xây dựng cơ bản và giải ngân sắp tới, Vụ Kế hoạch – Đầu tư cần làm việc với từng ban, từng đơn vị để rà soát và có đề xuất cụ thể về việc điều chuyển nguồn vốn giữa các ban, đơn vị. Phần vốn nào điều chuyển được trong nội bộ, phần vốn nào xin trả lại Trung ương phải làm rõ để Bộ GTVT kịp thời báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng yêu cầu.
Về trách nhiệm của các ban QLDA, chủ đầu tư, Bộ trưởng khẳng định: Dự án nào đã được ghi vốn nhưng không hoàn thành giải ngân, dứt khoát giám đốc của ban QLDA đó phải chịu trách nhiệm.
“Sắp tới tôi sẽ cắt ít nhất 2 dự án của đơn vị giải ngân trì trệ để bổ sung cho ban QLDA giải ngân tốt hơn và tiến hành điều chuyển nhân sự để có giải pháp xử lý công việc hiệu quả. Chúng tôi không muốn làm thế này nhưng các đồng chí không có giải pháp thực hiện nên sẽ phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng kiên quyết.
Nhấn mạnh về việc giải ngân chậm nguồn vốn ODA sẽ ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, còn chậm giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ sẽ phát sinh lãi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu tất cả giám đốc của Ban QLDA có dự án giải ngân chậm phải rà soát kỹ lưỡng để đưa ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.
Về kế hoạch chuẩn bị vốn năm 2019, người đứng đầu ngành giao thông yêu cầu: “Dứt khoát không có chuyện đăng ký kế hoạch vốn để giữ phần cho năm tiếp theo, tư tưởng này phải thay đổi, đăng ký phải đúng khả năng, nhu cầu, đăng ký nhiều không giải ngân hết sẽ phải chịu kỷ luật”.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc ngày 16/5/2018 về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 2018. Phó Thủ tướng nhận định nguyên nhân các bộ, ngành chậm giải ngân là do chủ quan, do đó “phải luân chuyển cán bộ đi, đừng để cán bộ ngồi lâu một chỗ và đặc biệt là thiếu tinh thần trách nhiệm, trì trệ, ngâm hồ sơ”.
Phó Thủ tướng cũng chỉ ra thực tế khi "Nghị quyết số 60 và số 70 của Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đều quy định xử lý cán bộ rồi mà chẳng ai làm. Chưa thấy xử lý được ai, thay thế được ai".
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, về vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018, theo kế hoạch Bộ GTVT được giao 4.190 tỷ đồng. Tuy nhiên, căn cứ khả năng giải ngân của các dự án trong năm, Bộ GTVT chỉ đăng ký nhu cầu phân bổ 2.586,115 tỷ đồng. Số kế hoạch còn lại 1.603,885 tỷ đồng, Bộ KH&ĐT đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ để điều chỉnh có các dự án quan trọng, cấp bách của các bộ, ngành, địa phương khác.
Đối với tình hình thực hiện giải ngân vốn nước ngoài, hiện một số dự án đã được bố trí kế hoạch vốn năm 2018 nhưng hết thời hạn giải ngân vốn theo thỏa thuận/hiệp định hoặc quyết định của cấp có thẩm quyền đang làm thủ tục gia hạn giải ngân theo quy định. Một số dự án hỗn hợp bao gồm cả cấp phát và cho vay lại chưa giải ngân được do đang gặp vướng mắc trong thực hiện việc ký kết hợp đồng cho vay lại.
Dự án Giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM bị ảnh hưởng bởi dự án Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TPHCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương đang làm thủ tục trình Quốc hội để tăng tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, một số dự án đang trong quá trình thanh quyết toán ở giai đoạn cuối của dự án nên tiến độ giải ngân không đều (như dự án cầu Nhật Tân, dự án đường nối Nội Bài - Nhật Tân, Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt Hà Nội - TPHCM vay JICA…).
Theo thống kê, hiện có 29 dự án giao thông còn tồn kế hoạch giải ngân lớn.
Cụ thể, các dự án ODA gồm: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Ban QLDA Đường sắt - chủ đầu tư) giải ngân được 1.174/3.150 tỷ đồng (đạt 37,3%), dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (VEC) giải ngân được 457,4/1.291 tỷ đồng (đạt 35,5%), dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP - Ban QLDA3 thuộc Tổng cục Đường bộ) giải ngân được 360/745 tỷ đồng (đạt 48,4%)…
Các dự án sử dụng vốn TPCP gồm: Dự án tuyến tránh Ea Drăng (Ban QLDA đường Hồ Chí Minh - chủ đầu tư) giải ngân được 127,6/312 tỷ đồng (đạt 40%), dự án đường Hồ Chí Minh tuyến tránh Chư Sê (Ban QLDA6 - chủ đầu tư) đã giải ngân 70,2/180 tỷ đồng (đạt 38%),…