Bộ GTVT cho biết, đến hết tháng 4/2020, Bộ GTVT giải ngân được 9.208 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 24,6% kế hoạch giải ngân cả năm (9.208/37.438 tỷ đồng), gồm: 7.584 tỷ đồng kế hoạch năm 2020 và 1.624 tỷ đồng kế hoạch năm 2019 kéo dài.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2020, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đạt khoảng 18,1% kế hoạch năm.
Riêng trong tháng 4/2020, Bộ GTVT giải ngân 1.711 tỷ đồng. Được biết, con số này hiện thấp hơn so với 2.642 tỷ đồng kế hoạch đề ra, tuy nhiên lũy kế 4 tháng cơ bản vẫn đáp ứng yêu cầu do tháng 3/2020 đã giải ngân vượt kế hoạch khoảng 850 tỷ đồng.
Như vậy, kết quả giải ngân kế hoạch lũy kế 4 tháng đầu năm cơ bản đang bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết do các chủ đầu tư/ban quản lý dự án lập, đạt khoảng 99,5% kế hoạch giải ngân chi tiết (9.208/9.250 tỷ đồng, hụt khoảng 42 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư (Bộ GTVT) đánh giá, kết quả giải ngân 4 tháng đạt cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, kết quả này phần nhiều vẫn nằm ở hoàn ứng trước kế hoạch (khoảng 5.000 tỷ đồng), hoàn trả quỹ tích lũy trả nợ của hai dự án BT (khoảng 1.334 tỷ đồng). Phần giải ngân cho giải phóng mặt bằng và các hợp đồng xây lắp chiếm tỷ trọng không lớn trong kết quả giải ngân.
Bên cạnh các chủ đầu tư, ban Quản lý dự án có kết quả giải ngân vượt kế hoạch đề ra như: Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Thăng Long, Ban Quản lý dự án 85, Ban Quản lý dự án Đường sắt.
Bộ GTVT cũng "điểm danh" các chủ đầu tư có kết quả thực hiện kế hoạch đáng quan ngại gồm: Sở GTVT Kon Tum và Sở GTVT Hòa Bình hầu như chưa giải ngân kế hoạch 2020.