Theo Bộ GTVT, những vướng mắc của 4 dự án BOT đều xuất phát từ nguyên nhân khách quan, bất khả kháng theo quy định của hợp đồng. Cơ quan nhà nước và nhà đầu tư theo đó đã nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục nhưng không khả thi để tiếp tục triển khai hợp đồng.
Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ huy động 4.786 tỷ đồng ngân sách nhà nước mua lại 4 dự án BOT bị sụt giảm doanh thu lớn, phá vỡ phương án tài chính.
Theo đó, tại dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn nhà nước khoảng 703 tỷ đồng để hoàn trả cho doanh nghiệp BOT.
Dự án có vốn đầu tư 836 tỷ đồng, được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2015, nhà đầu tư được thu phí tại trạm Km1747 trên đường Hồ Chí Minh để hoàn vốn đầu tư với thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 20 năm, bắt đầu từ tháng 11/2015. Dù vậy, sau khi các cấp có thẩm quyền cho phép xây dựng tuyến tránh đoạn phía Tây thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), dẫn đến doanh thu thu phí của dự án bị sụt giảm rất lớn, phá vỡ phương án tài chính.
Với dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (giai đoạn 1), Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí khoảng 2.049 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.709 tỷ đồng, bắt đầu thu phí từ tháng 2/2019, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 16 năm 7 tháng. Tuy nhiên, doanh thu dự án chỉ đạt khoảng 14,8% so với phương án tài chính hợp đồng BOT, dẫn đến phá vỡ phương án tài chính, nguy cơ phá sản cho nhà đầu tư. Nguyên nhân chính là do sau khi dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo QL39A và dự án xây dựng cầu Hưng Hà vượt sông Hồng hoàn thành, hầu hết các phương tiện đều chọn tuyến đường không thu phí.
Kế đến là dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc, có chiều dài khoảng 85,7km, tổng mức đầu tư khoảng 1.303 tỷ đồng được đưa vào khai thác từ tháng 9/2019, thời gian thu phí khoảng 20 năm 9 tháng. Riêng hạng mục nạo vét luồng sông Sài Gòn, doanh nghiệp dự án mới hoàn thành công tác thiết kế, chưa thi công vì thiếu vốn.
Tuy nhiên, hiện cảng Bến Súc, Rạch Bắp chưa được đầu tư, trong khi cảng An Sơn mới xây dựng một phần. Tỉnh Bình Dương cũng đã điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc mà thay bằng cảng ở vị trí khác. Do vậy, phương án thu phí các phương tiện vận tải đường thủy nội địa để hoàn vốn cho dự án khó khả thi.
Bộ GTVT đã kiến nghị cho phép chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn và bố trí vốn ngân sách khoảng 612 tỷ đồng để thanh toán cho nhà đầu tư cũng như hoàn trả vốn vay của UBND tỉnh Bình Dương.
Dự án cuối cùng là công trình cầu Việt Trì - Ba Vì nối QL32 với QL32C. Bộ kiến nghị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và bố trí khoảng 1.422 tỷ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án.
Trải qua khoảng 3 năm thu phí, doanh thu thu phí chỉ đạt trung bình khoảng 30% so với doanh thu theo phương án tài chính hợp đồng. Việc áp dụng chính sách vé tháng, vé quý cho các phương tiện cũng gây giảm doanh thu khoảng 8%.