Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ đề xuất Chính phủ xem xét mua lại cổ phần đã bán tại ACV là dựa trên những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư hạ tầng hàng không khi doanh nghiệp này đã thành công ty cổ phần. Điển hình là hạ tầng khu bay (đường cất hạ cánh, đường lăn) sân bay Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM) xuống cấp, ACV có tiền không được tự sửa.
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất dù cấp bách phải đầu tư, xây dựng, nhưng hiện Chính phủ vẫn chưa quyết là chỉ định thầu cho ACV hay đưa ra đấu thầu, nên đã qua 3 năm vẫn chưa triển khai được. Nếu ACV là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, các nhiệm vụ về đầu tư hạ tầng, nâng cấp, sửa chữa sân bay thuộc trách nhiệm của ngân sách nhà nước có thể giao ACV thực hiện (thay vì phải đưa ra đấu thầu khi ACV đã là công ty cổ phần).
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, việc có mua lại phần vốn đã bán tại ACV hay không, mua thế nào phải do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng. Lãnh đạo Bộ GTVT cũng nhìn nhận, hiện tại việc mua lại cổ phần đã bán tại ACV cũng là vấn đề lớn vì thời điểm bán ra mỗi cổ phiếu giá chỉ hơn 14.000 đồng nhưng nay đã quanh ngưỡng 80.000 đồng/cổ phiếu.
Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của ACV, nhà nước nắm giữ 95,4% vốn tại doanh nghiệp, phần còn lại tương đương 100 triệu cổ phiếu được lưu hành tự do (trong đó, các cổ đông nước ngoài nắm 3,59%, các cổ đông khác trong nước nắm 0,87%). Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ACV đang được giao dịch xung quanh mức 80.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu muốn mua lại cổ phần của nhà đầu tư thì số tiền nhà nước cần bỏ ra là khoảng 8.000 tỷ đồng. Dù thời điểm cổ phần hóa năm 2015, số cổ phần này nhà nước bán ra chỉ thu về hơn 1.400 tỷ đồng.
Trước đó, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã bị kỷ luật vì đồng ý chủ trương cổ phần hóa ACV, trong khi doanh nghiệp này không thuộc đối tượng cổ phần hóa. Một lãnh đạo ACV cho biết, đề xuất trên Bộ GTVT chưa lấy ý kiến ACV. Tuy nhiên, hiện tại nhà nước vẫn nắm giữ 95,4% cổ phần tại tổng công ty nên Chính phủ quyết định ra sao phía đơn vị sẽ theo đó thực hiện.
Chuyên gia kinh tế, TS Đặng Đình Đào cho rằng, đề xuất mua lại ACV cũng giống cảng Quy Nhơn (Bình Định), với mục tiêu đảm bảo sự quản lý của nhà nước với các lĩnh vực quan trọng. Tuy vậy, mua lại ra sao cần phải cân nhắc thêm, không để nhà nước bán gì cũng rẻ nhưng mua gì cũng đắt, nhà nước luôn thua thiệt. “Chủ trương cổ phần hóa là đúng đắn, nhất quán, nhưng có một số doanh nghiệp, lĩnh vực vẫn cần bàn tay nhà nước. Nay đã rút vốn thì cần phải sửa sai”, ông Đào nói.
ACV đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước. Tuy nhiên, chỉ 6 sân bay trong số này có lãi, như Tân Sơn Nhất (năm 2018 lãi hơn 4.500 tỷ đồng), Nội Bài (lãi hơn 1.800 tỷ đồng) trong khi các sân bay Đà Nẵng, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài... ACV phải dùng nguồn lãi này để bù lỗ cho 15 sân bay còn lại được giao quản lý, với không ít sân bay địa phương mỗi ngày chỉ 2-3 chuyến bay đến/đi. Trong đó có nhiều sân bay lỗ lớn như sân bay Vinh, sân bay Tuy Hòa, Cần Thơ (mỗi năm lỗ 80-90 tỷ đồng); Đồng Hới, Phú Quốc, Phù Cát, Thọ Xuân... Côn Đảo, Cát Bi (lỗ gần 10 tỷ đồng/năm).
Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp
Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) 8 tháng năm 2019. Theo đó, ước thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 8 tháng hơn 161.286 tỷ đồng, mới đạt gần 38% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt trên 41% so với kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.
Có 29 bộ, ngành và 18 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới 40%. Điển hình là Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước; tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân chính dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là một số chủ đầu tư xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, việc phân bổ kế hoạch vốn còn chậm; điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án chưa kịp thời.
TUẤN NGUYỄN