Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có các văn bản yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu và đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiến độ các dự án đường sắt gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn 2016-2020.
Theo Bộ GTVT, đến nay, đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính của Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh-Nha Trang, được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành 4/7 gói thầu (gói thầu số 9, 10, 22, 23); gói thầu số 12 đã thi công hoàn thành cơ bản (trừ phần phát sinh bổ sung sửa kiến trúc tầng trên đường sắt trong hầm).
Dự án cải tạo, nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM đã được chủ đầu tư nghiệm thu hoàn thành 10/11 gói thầu (trừ cầu Hàm Rồng, cầu Hiệp Mỹ Km 1375+077, cầu Ba Chân Km 1228+912, cầu Rạch Cát Km 1699+245).
Dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội-Vinh, tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM (Dự án Hà Nội-Vinh), đến nay các hạng mục công trình, gói thầu trừ các hạng mục vướng mắc mặt bằng và liên quan đến hệ thống thông tin tín hiệu của ASTOM đoạn Hà Nội-Vinh đã cơ bản hoàn thành và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, phát huy hiệu quả dự án.
Tuy nhiên, đến nay các dự án còn có một số hạng mục công trình, gói thầu chậm tiến độ, chưa hoàn thành. Trong đó có việc công tác giải phóng mặt bằng của các địa phương chậm; một số gói thầu chủ đầu tư chưa phối hợp hiệu quả, quyết liệt với chính quyền địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ GTVT yêu cầu Ban QLDA 85 phối hợp chặt chẽ với địa phương để sớm bàn giao mặt bằng còn lại theo tiến độ đã cam kết: Các ga Xuân Sơn Nam, Tam Thành, Đông Tác; các hạng mục đường gom thuộc TP. Tuy Hòa (Phú Yên), Đà Nẵng...
Trong công tác tổ chức thi công, trên cơ sở khối lượng các hạng mục còn lại, các nhà thầu phải hoàn thành, lập tiến độ thi công chi tiết kèm theo nhu cầu máy móc thiết bị thi công, nhân vật lực trình tư vấn giám sát, ban QLDA chấp thuận.
Khẩn trương huy động đầy đủ nhân lực, vật tư, thiết bị để triển khai thi công đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ được chấp thuận. Tăng cường hơn nữa công tác đảm bảo an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường.
Các ban QLDA đường sắt, QLDA 85 phải tăng cường hơn nữa công tác điều hành dự án, chủ động thực hiện đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ của chủ đầu tư trong việc quản lý thực hiện dự án; kịp thời xử lý các vấn đề kỹ thuật phát sinh, nghiệm thu, thanh toán, đảm bảo tiến độ thi công yêu cầu.
"Trên cơ sở tiến độ thi công được chấp thuận, tổ chức theo dõi hàng ngày, hàng tuần việc triển khai thực hiện của các nhà thầu, yêu cầu các nhà thầu có biện pháp khắc phục các công việc chậm trễ. Kiên quyết và kịp thời xử lý đối với các nhà thầu chậm tiến độ theo quy định", Bộ GTVT chỉ đạo.
Thanh tra công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt
Liên quan đến công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng vừa phê duyệt Quyết định số 678/QĐ-BGTVT ngày 30/5/2022 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc thanh tra Cục Đường sắt Việt Nam theo kế hoạch.
Thời kỳ thanh tra năm 2020 - quý 1/2022 và các thời kỳ khác có liên quan đến nội dung thanh tra. Thời hạn thanh tra là 45 ngày kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra.
Chánh Thanh tra, Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng cho biết, đây là Đoàn thanh tra theo Kế hoạch để đánh giá việc thực hiện quy định pháp luật của của Cục Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan trong công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng; quản lý tài sản đường sắt; quản lý hoạt động vận tải; công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái tàu; công tác quản lý, cấp giấy chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông đường sắt.
Qua công tác thanh tra, xác định những việc đã làm được, phát hiện các tồn tại, vướng mắc, vi phạm (nếu có) để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật; đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đường sắt.