Quản lý vốn đầu tư công chưa bao giờ là gánh nặng
Chính phủ đã đề xuất Quốc hội bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn dự phòng cho các bộ, ban ngành.
Theo đề xuất của Chính phủ, ngành GTVT dự kiến phân bổ số vốn "khủng nhất" hơn 57.735 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD), chiếm hơn 92,5% tổng vốn phân bổ cả giai đoạn là hơn 63.700 tỷ đồng (tương đương 2,7 tỷ USD).
Việc được giao vốn khủng cũng đang là vấn đề rất lớn đối với ngành GTVT về phương án giải ngân vốn làm sao cho kịp tiến độ. Điều này đang được các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà thầu đặc biệt quan tâm.
Chia sẻ với Dân Việt về vấn đề thúc đẩy đầu tư công, TS.Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh doanh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho rằng: "Giải ngân vốn đầu tư công là điều mà cả hệ thống quản lý từ Chính phủ, Ngân hàng, đến các doanh nghiệp đều bức xúc.
"Muốn đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư cần phải giải quyết được hàng loạt các vấn đề, không chỉ có mỗi tài chính mà còn cả những vấn đề về quy định khai thác mỏ vật liệu thuộc về ai?; Hoá đơn thuế cho các mỏ vật liệu", TS.Lê Xuân Nghĩa nêu ra vấn đề.
Nói về quản lý vật liệu xây dựng, TS.Lê Xuân Nghĩa cho hay: "Một mặt, Nhà nước mất tài nguyên, những mỏ cát, vật liệu được mang đi bán chui. Tuy nhiên, ngay cả khi mua vật liệu chui, để đưa vào dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn vì không có hoá đơn thuế".
"Quản lý vốn đầu tư công chưa bao giờ là gánh nặng, gánh nặng hiện tại không phải là không có vốn, mà là không có cơ chế để giải ngân", TS.Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Khi được hỏi về khâu quản lý vốn và điều tiết, TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng: "Chẳng điều tiết gì được, cần các địa phương đưa ra cơ chế rất linh hoạt".
Ví dụ: Nhà thầu nào đẩy nhanh tiến độ, cơ quản quản lý sẽ điều tiết vốn sang cho nhà thầu đấy. Thế nhưng, ngay cả những nhà thầu đẩy nhanh tiến độ cũng không dám nhận thêm vốn. Bởi vì, nhận thêm vốn họ sẽ phải đẩy nhanh thêm tiến độ và cần thêm vật liệu xây dựng, khi đó, họ sẽ lấy ở đâu ra.
"Do đó, để tiếp nhận được vốn, nhà thầu phải phụ thuộc vào nguồn vật liệu xây dựng để thi công dự án", TS.Lê Xuân Nghĩa khẳng định.
Nêu ra điểm khó giải ngân vốn, TS.Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Vốn của đầu tư công là Nhà nước không thiếu. Cái khó là doanh nghiệp không giải phóng được mặt bằng kịp thời, không có cát và đất để xây dựng".
"Còn thủ tục đấu thầu hiện nay khá thông thoáng, khá nhanh và minh bạch. Cơ chế tài chính của đầu tư công rất rõ ràng, được quy định trong luật", TS.Lê Xuân Nghĩa chia sẻ.
TS.Lê Xuân Nghĩa khẳng định: "Đến nay, không một doanh nghiệp nào gặp khó khăn về giải ngân vốn đầu tư công . Thậm chí, được cho thêm tiền mà không dám nhận".
"Một mỏ cát chỉ được cấp phép 200 nghìn tấn/năm (có hóa đơn), mà 1 tháng mỏ đó đã bán 200 nghìn tấn rồi thì lấy hóa đơn từ đâu? Nếu doanh nghiệp mua cát để làm đường theo đúng tiến độ, liệu có dám chứng minh số cát đó có hóa đơn để hoạch toán?", ông Nghĩa nêu ra vấn đề.
TS.Lê Xuân Nghĩa cho hay, mỏ vật liệu khai thác cát là mỏ của Nhà nước, tài nguyên là của Nhà nước, cần có cơ chế giám sát rất chặt chẽ những mỏ vật liệu như vậy. Mỏ vật liệu đó đã giao cho tư nhân rồi nhưng Nhà nước phải giám sát.
"Ban ngày mỏ khai thác cát bán khoảng 50 xe có hóa đơn, nhưng ban đêm thì xe cát được bán không hóa đơn có thể chạy cả đêm", TS.Lê Xuân Nghĩa nói về khai thác vật liệu.
"Điểm nghẽn hiện nay của đầu tư công là không có cát để thi công. Giả sử doanh nghiệp mua cát chui để thi công thì không có hóa đơn thanh toán", ông Nghĩa nói.
Những ngày gần đây, nguồn vật liệu cát, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang trong tình trạng khan hiếm, giá tăng vọt đã gây ảnh hưởng đến các công trình xây dựng. Hầu hết các nhà thầu đều bị áp lực và ngần ngại tham gia đấu thầu khi nguồn cung của vật liệu cát chưa được cải thiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương thực hiện dự án điều tra tài nguyên cát biển để Bộ GTVT triển khai thi công thử nghiệm cát biển sử dụng cho các dự án hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả trên sẽ làm cơ sở cung cấp vật liệu cho các dự án đầu tư của quốc gia.
Theo đó, nếu tình trạng khan hiếm cát tiếp tục diễn biến như hiện nay thì mục tiêu giải ngân đầu tư công năm khó đạt được theo kế hoạch.