Theo đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian hoàn thành và phương án hoàn vốn đối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, lùi đến năm 2023.
Để thu hồi vốn nhà nước đầu tư cho dự án, Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công cho dự án. Bộ cũng sẽ lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối với các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí, khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng vốn đã đầu tư cho dự án.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH-ĐT chủ trì thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ theo quy định của pháp luật về đầu tư công. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ KH-ĐT xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đề xuất dự án thành phần 2 của dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 Tp.HCM. Dự án có chiều dài khoảng 16,57km, điểm đầu tuyến giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, điểm cuối tuyến giao với tỉnh lộ 25B.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.660 tỷ đồng, trong đó, vốn vay ODA Hàn Quốc khoảng 2.585 tỷ đồng cho chi phí xây dựng, thiết bị, thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và chi phí dự phòng, phần còn lại là vốn của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án là 5 năm sau khi hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2021 - 2025.