Văn bản nêu, ngày 15/3, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Chính phủ hỗ trợ giá cho các hãng hàng không . Sau đó, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) đã miễn, giảm giá nhiều dịch vụ hàng không.
Theo đó, có 7 loại dịch vụ thuộc thẩm quyền được ACV miễn, giảm giá, bao gồm: Dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất: giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%. Các dịch vụ này được miễn giảm giá từ ngày 1/3/2020 đến hết tháng 8/2020.
Ngoài ra, trên cơ sở kiến nghị của các hãng, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ: miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/01 đến hết năm 2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng tuyên bố hết dịch. Nếu cân đối ngân sách gặp khó thì thực hiện chính sách giảm 50% thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay.
Đồng thời, cho phép các hãng được giãn thời gian nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách. Bộ GTVT cũng đề nghị giãn, tạm hoãn nộp các loại thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, thuế nhà thầu nước ngoài cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ 23/01 đến hết năm 2020 đối với các hãng, tùy theo thời điểm khi công bố hết dịch.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ, khoanh nợ gốc, cơ cấu dứt điểm các khoản nợ, kéo dài thời gian vay nợ của các hợp đồng tín dụng, không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả trong thời gian dịch; được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển tiếp nhóm nợ, tiếp tục cho các doanh nghiệp vay vốn lưu động.
Với ảnh hưởng của dịch COVID-19 , vừa qua và hiện nay có tới 98% tàu bay bị ngừng hoạt động, số tiền thiệt hại theo các hãng hàng không có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó của Cục Hàng không Việt Nam.