Đây là quan điểm của ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội trước đề xuất đưa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về Bộ Giao thông - Vận tải.
Theo quan điểm của ĐBQH Trần Văn Lâm, việc chuyển các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là phù hợp xu thế. Cách quản lí này có thể tách bạch chức năng quản lý nhà nước tại các bộ ngành với quản trị của doanh nghiệp, để tránh trường hợp vận động chính sách, lợi ích nhóm, "sân sau"…
- Có ý kiến cho rằng, vấn đề VNR không phải là trực thuộc Bộ GTVT hay Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mà cần sớm tạo ra một nền tảng pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, thưa ông?
Vướng mắc lớn nhất tại VNR là giao vốn, cơ chế giao vốn. Tuy nhiên, cơ chế là do con người đặt ra, nên hoàn toàn có thể nghiên cứu, sửa đổi sao cho phù hợp với thực tế.
Còn việc cơ chế chính sách chưa "chạm" tới những mong muốn của doanh nghiệp xuất phát bởi nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn đến từ chủ quan. Cho nên Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và doanh nghiệp cần sớm hoàn thiện cơ chế chính sách để từng bước tháo gỡ khó khăn. Đừng vì một vài vướng mắc về cơ chế tài chính mà lại "bàn lùi" một chủ trương, định hướng lớn đã được Đảng, Nhà nước và Quốc hội thông qua.
- Vậy theo ông, đâu là những vướng mắc cần gỡ của VNR?
Luật Đường sắt sửa đổi đã cởi bỏ rất nhiều rào cản, như hạ tầng đường sắt sẽ do nhà nước quản lý, còn các doanh nghiệp đều có thể tham gia đăng ký hoạt động. Việc này giống như Vận tải Hàng không, nhà nước chỉ quản lý hạ tầng sân bay, dịch vụ dẫn đường. Còn lại, doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì thành lập hãng bay vậy.
Như vậy, ngành đường sắt đã được tháo gỡ những vướng mắc căn bản. Còn lại là cơ hội và lợi thế mà VNR có thể tận dụng.
- Ông có thể phân tích cụ thể hơn về cơ hội và lợi thế này?
Luật Đường sắt còn có thêm cơ chế mở, đó là ngành đường sắt có thể sử dụng các quỹ hạ tầng của mình để liên kết, kinh doanh tạo vốn, tạo nguồn lực. Chúng ta đều nhìn thấy, đất đai cũng như cơ sở hạ tầng ngành đường sắt hiện nay rất lớn, dọc theo tuyến đường sắt Bắc – Nam, tỉnh nào cũng có nhà ga. Hãy "thay da đổi thịt" những nhà ga này bằng việc kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân đầu tư, phát triển thành những trung tâm dịch vụ tổng hợp, vui chơi giải trí… như dịch vụ hàng không.
Ngành đường sắt còn có lợi thế trong vận tải hàng hóa là giá thành rẻ hơn so với các phương tiện vận tải khác như đường bộ, đường hàng không. Hiện lợi thế này vẫn chưa được quan tâm, phát triển. Thời gian tới sẽ còn có thêm đường sắt tốc độ cao, đây là cơ hội rất lớn cho đường sắt bứt phá. Như vậy, VNR không thể mãi "bám" lấy Bộ GTVT, để đánh mất đi sự chủ động, linh hoạt của một doanh nghiệp có nhiều tiềm năng và lợi thế.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Quyết định số 82 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu lập quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt quốc gia đến năm 2050, đưa ra lộ trình đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo kết nối ngành, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Xin cảm ơn ông!