Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải gửi các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lấy ý kiến góp ý.
Đáng lưu ý, tại dự thảo lần thứ 8 này, Bộ GTVT quy định taxi được sử dụng phần mềm để tính tiền. Với taxi gắn đồng hồ, phải xuất hóa đơn cho khách theo hành trình. Với taxi tính tiền theo phần mềm, trên xe phải có thiết bị kết nối với hành khách để đặt xe, hủy chuyến. Kết thúc chuyến đi, phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử cho hành khách và Tổng cục Thuế. Taxi này phải có phù hiệu “taxi” và được dán cố định phía bên phải mặt kính trước của xe, có hộp đèn chữ “taxi” gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15 x 20 cm.
Dự thảo cũng quy định cụ thể hơn về kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, xe này phải niêm yết chữ “xe hợp đồng” ở trên kính trước và kính phía sau xe theo quy định. Ngoài ra, “xe hợp đồng” cũng phải có bảng điện tử gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu 15 x 20 cm và phải được bật sáng khi tham gia giao thông. Ngoài ra, xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách do đơn vị kinh doanh vận tải cung cấp; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe,…
Đối chiếu quy định trong dự thảo này, các hãng gọi xe công nghệ hiện nay như Go-Viet , Grab , FastGo … đều phải đăng ký là doanh nghiệp vận tải . các doanh nghiệp này hoạt động như taxi hay xe hợp đồng thì đều phải áp dụng các quy định
tương ứng.
Trước đó, sau khi trình dự thảo lần thứ 7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ nội dung dự thảo trên tinh thần phù hợp với các luật có liên quan. Đồng thời đảm bảo các nguyên tắc: Phục vụ tốt nhất lợi ích của người dân, đảm bảo vai trò quản lý của Nhà nước; cạnh tranh lành mạnh; tuyệt đối không để xảy ra kẽ hở pháp lý, làm phát sinh lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách.
Đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô dưới chín chỗ, Bộ GTVT nghiên cứu kỹ hai phương án đã được các thành viên Chính phủ biểu quyết (taxi, xe hợp đồng), đề xuất thêm phương án phù hợp trên tinh thần đảm bảo các nguyên tắc nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-4.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, trước đó Văn phòng Chính phủ đã gửi phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ về hai phương án (phương án 1 coi xe công nghệ là xe hợp đồng, phương án 2 coi xe công nghệ là taxi). Trong số 26 thành viên có ý kiến thì có tám thành viên chọn phương án xe công nghệ là taxi, 15 thành viên chọn phương án là xe hợp đồng, ba thành viên không chọn phương án nào. Trong khi đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án xe công nghệ là taxi.